Hai số phận
“Hai số phận” là một cuốn tiểu thuyết được sáng tác vào năm 1979 bởi nhà văn người Anh Jeffrey Archer. Tựa đề gốc của sách là “Kane and Abel” – một phép chơi chữ dựa trên hai cái tên xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước là Cain và Abel.
Cuốn sách là một câu chuyện kể về hai người có số phận khác nhau. Họ không có điểm gì giống nhau cả ngoại trừ việc sinh ra vào cùng một thời điểm (18/04/1906) và có một lòng quyết tâm để đạt được thành công trong cuộc sống. William Lowell Kane là một người mạnh mẽ và giàu có trong khi đó Abel Rosnovski (tên ban đầu là Wladek Koskiewicz) là một người gốc Ba Lan phải đấu tranh từ lúc sinh ra và lớn lên cùng với những người nghèo khổ, cuối cùng di cư đến Hoa Kỳ. Cuộc đời của hai con người này đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố để cuối cùng nhận ra sự tồn tại của nhau.
Đắc nhân tâm
Nói đến sách nghệ thuật ứng xử thì không thể không nhắc đến "Đắc nhân tâm" của Dale Carnegie. Đây là một trong những cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ đi trước và ngày nay. Với chặng đường hơn 80 năm kể từ khi lần đầu được xuất bản, "Đắc nhân tâm" đã mang đến cho chúng ta bài học vô cùng giá trị đó là nghệ thuật ứng xử để được lòng người. "Đắc nhân tâm" là quyển sách nổi tiếng và bán chạy nhất và có mặt ở hàng trăm quốc gia khác nhau, và hơn thế nữa đây còn là quyển sách liên tục đứng đầu danh mục sách bán chạy nhất do thời báo NewYork Times bình chọn trọng suốt 10 năm liền.
Không còn nữa khái niệm giới hạn, "Đắc nhân tâm" là nghệ thuật thu phục lòng người, là làm cho tất cả mọi người yêu mến mình. "Đắc nhân tâm" trong ý nghĩa đó cần được thụ đắc bằng sự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.
Nhà giả kim
Cuốn sách này, như một hạt giống cho tâm hồn, như ánh sáng cho đôi mắt. “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho không chỉ là hành trình đi tìm vận mệnh của chàng trai Santiago. Mà còn là hành trình tìm hiểu tiếng gọi của trái tim, tìm hiểu bản chất con người, tìm hiểu sự giao cảm của mọi thứ xung quanh ta.
Trong “Nhà giả kim”, ta theo bước chân chàng trai chăn cừu Santiago “gặp gỡ” được vận mệnh của mình và thấu hiểu Ngôn ngữ Vũ trụ, Tâm linh Vũ trụ qua từng chặng đường anh đi. Trái tim anh cảm hóa được vạn vật xung quanh. Rồi ta lại ngẫm nghĩ về những bài học triết lí mà anh được học hỏi.
Cuốn sách này là một kho báu đồ sộ về triết lí phương Đông huyền bí, tình yêu, sự sâu sắc của cách sống. Đọc “Nhà giả kim” có thể bạn không tìm được thuật luyện vàng nhưng bạn sẽ luyện được trái tim mình thành vàng. Và đây là một cuốn sách không dễ thấu hiểu.
Tôi xin trích hai câu văn trong tác phẩm:
“Trên đường đến với giấc mơ, lòng can đản và sự kiên trì của cậu đã thường xuyên bị thử thách”
“Những thứ vào miệng con người không độc hại, xấu xa…xấu xa, độc hại là những gì từ miệng họ tuôn ra”.
Theo Trí Thức Trẻ