Kỳ thực, mỗi một tính cách, một thái độ của con trẻ đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục, cách đối nhân xử thế của cha mẹ.
Dưới đây là 9 loại tính cách của một người mẹ có ảnh hưởng tốt đến sự hình thành nhân cách của trẻ:
1. Người mẹ thú vị
Cho dù đã lập gia đình với rất nhiều lo toan bề bộn, nhưng mẹ phải cố gắng duy trì tâm thái vui vẻ, trẻ trung. Bởi vì một người mẹ có tính cách trẻ trung, không quá mức nghiêm khắc trong mọi hoàn cảnh mới có thể trở thành người bạn thực sự của con cái.
Dạy dỗ và chăm sóc trẻ nhỏ không chỉ đòi hỏi tình yêu thương mà cần cả sự kiên nhẫn rất lớn. Người mẹ có tính cách trẻ trung, cởi mở sẽ dễ dàng tạo không gian thoải mái cho trẻ trò chuyện, vui chơi, tạo được sự gắn kết, gần gũi giữa mẹ và con. Một người mẹ thú vị cũng sẽ tạo ra những đứa con hồn nhiên, tình cảm.
2. Người mẹ ít nói “không”
Mỗi một đứa trẻ đều có ưu điểm, khuyết điểm riêng của mình. Người mẹ hiểu về cách giáo dục sẽ biết cách cổ vũ ưu điểm của con, khiến con có thể tự tin và phát huy được ưu điểm đó của mình. Hãy tạo điều kiện, cổ vũ, khích lệ con cái nhiều hơn thay vì nói “không”.
Trong cuộc sống có không ít người vì sợ con làm sai nên luôn ngăn cản, nói “không” với con. Nhưng kỳ thực, con người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể phạm sai lầm. Chính những sai lầm đó sẽ giáo huấn cho con trong đường đời tương lai, tạo cho con tính cách tự tin sau này.
3. Ít phàn nàn, so sánh
Cha mẹ cần là người bạn để hiểu con mình nhất, cũng cần là người thầy để phát hiện được sở trường của con. Cha mẹ không nên dùng tiêu chuẩn quá toàn diện để yêu cầu con mình, cũng không nên thường xuyên so sánh con mình với trẻ khác. Hãy vui vẻ trợ giúp con cái khám phá tiềm năng của chúng, quan tâm đến chúng, trưởng thành cùng với chúng. Cha mẹ thường xuyên phàn nàn, so sánh con với người khác không chỉ khiến con bị ám ảnh mà còn khiến con nảy sinh lòng đố kỵ.
4. Người mẹ thành tín, giữ lời hứa
Bạn có phải là người giữ lời hứa với con cái? Điều này rất quan trọng trong việchình thành nên tính cách chân thật hay giả dối của con. Làm cha mẹ, khi bạn đã đồng ý với yêu cầu của con cái thì nên sắp xếp thời gian để hoàn thành lời hứa đó của mình. Như vậy mới tạo được sự tin tưởng trong lòng trẻ.
Nếu cha mẹ luôn tìm lý do để trì hoãn hoặc không hoàn thành lời hứa của mình với con, trẻ sẽ dần dần mất lòng tin ở cha mẹ. Về sau, trẻ sẽ không còn tin vào lời nói của cha mẹ nữa và chúng cũng sẽ học cách “không thành tín” để áp dụng với người khác trong cuộc sống.
5. Lạc quan, vui vẻ
Có rất nhiều người mặc dù xuất sinh trong cảnh bần cùng, khốn khó nhưng vẫn trở thành người thành đạt trong xã hội nhờ có người mẹ luôn lạc quan vui vẻ, thường xuyên nói lời khích lệ và luôn nở nụ cười để chào đón con.
Trong cuộc sống, những sự tình không như ý có đến tám, chín phần. Bạn là người lạc quan, yêu đời, bạn sẽ biết cách làm thế nào để làm tiêu tan những suy nghĩ tiêu cực, không tùy tiện phát giận. Điều này rất quan trọng đối với trẻ.
Khi bạn không vui, không thể kiểm soát được tâm trạng của mình, cách tốt nhất là nên chia sẻ thật với con, không nên đổ lên đầu con. Đây là cách hành xử vừa khiến con trở thành người bạn của bạn, mà còn khiến con trưởng thành hơn, biết quan tâm, sẻ chia và nắm bắt được cảm xúc của người khác.
6. Đại lượng
Người mẹ đại lượng ở đây không chỉ là đại lượng với con cái của mình mà còn biết phân biệt đúng sai khi hòa giải mâu thuẫn giữa con mình và con người khác. Ví như, khi con bạn có tranh cãi với người khác, hãy phân tích phải trái và cùng con tìm cách hóa giải.
Hãy dạy con cách khoan dung, tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Dạy con cách dùng nụ cười để hóa giải mâu thuẫn với mọi người xung quanh.
7. Người mẹ tôn trọng sự riêng tư của con
Kỳ thực, cuộc sống của bất kỳ người nào cũng đều không phải chỉ quanh quẩn bên con cái, mà cũng cần không gian riêng tư, và con cái cũng vậy. Hãy học cách tôn trọng sự riêng tư của con cái.
Nếu con cái đã tâm sự với cha mẹ chuyện riêng tư của mình, hãy tôn trọng con, không nên tùy tiện tiết lộ việc riêng tư của con, hay ở trước mặt người khác mà nhắc đến.
8. Người mẹ biết lắng nghe
Khi con cái xảy ra mâu thuẫn với người khác hay với chính người thân trong nhà, cha mẹ nên trao đổi với con. Khi con cái gặp chuyện không vui, phiền não, cha mẹ nên học cách lắng nghe.
Một người biết lắng nghe con cái chia sẻ, nói ra những suy nghĩ, tâm tư của mình sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa những mâu thuẫn, căng thẳng mà con đang gặp phải. Khi trẻ lớn lên cũng sẽ biết cách kiên nhẫn lắng nghe người khác, cảm thông với người khác.
9. Người mẹ thiện lương
Một người có tâm địa thiện lương sẽ sẵn sàng quan tâm và bảo vệ người khác, đối xử với thiện và ác cũng rõ ràng, biết khi nào nên tiến và khi nào nên thoái. Người mẹ thiện lương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của trẻ trong quá trình phát triển. Ngay từ nhỏ, con trẻ chứng kiến những hành động lương thiện, thương yêu người khác của cha mẹ sẽ hình thành nên tính cách lương thiện, không làm hại người khác của trẻ khi lớn lên.
Từ xưa đến nay, sự ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái luôn được coi là quan trọng nhất. Nhưng, “nhân vô thập toàn”, con người không ai hoàn hảo, cũng không có người mẹ “thập toàn thập mỹ”, tuy nhiên sẽ có những người mẹ biết kiểm soát tâm trạng, thay đổi được tâm tính của mình mà giúp ích cho sự giáo dục và hình thành nhân cách của con trẻ, là tiền đề để con đạt được những thành tựu sau này.
Nguồn: VnExpress