"Ê, mày đi đâu đấy?"
"Tao vừa đi nghe ông CEO của công ty A nói chuyện. Học được bao nhiêu điều!"
"Thế mày áp dụng những điều mày học vào công ty như thế nào?"
"À, ừ, thì…"
Đây là cuộc nói chuyện của tôi với đứa bạn. Nó đang điều hành một công ty cũng làng nhàng nhưng hoài bão thì muốn bứt phá trở thành công ty triệu đô. Vì vậy, nghe đâu có CEO này, chuyên gia kia diễn thuyết hay chia sẻ thì nó chẳng quản đường xa, công sức đều chạy đến nghe.
Nó đi nghe nhiều đến nỗi mà bất kì câu chuyện nào, nó cũng đều nói: "Tao đang định thế này, giống anh A của công ty B đã làm hay giống cách chuyên gia C giải quyết vụ D…". Nó say đắm kể lại những câu chuyện ly kỳ như anh A đã lỗ hàng chục tỷ mà không bỏ cuộc, anh B bỏ cả triệu đô rút khỏi ngành này, đầu tư ngành kia, sát nhập ở ngành nọ.
Tuy nhiên, sau bao năm trời công ty của nó ngoài vài lần suýt… bể thì vẫn làng nhàng như vậy.
Câu chuyện này cũng là câu chuyện chung của rất nhiều CEO những người luôn chăm chỉ đi nghe những câu chuyện thành công, làm giàu nhưng hỏi áp dụng vào doanh nghiệp ra sao thì…"tắc tịt".
Trong cuốn "Người anh hùng có muôn ngàn mặt", tác giả Joseph Campbell đã chỉ ra một kiểu mẫu chung cho những câu chuyện anh hùng ở bất kì dân tộc nào, bất kì này nền văn hóa nào. Vào một ngày đẹp trời, người anh hùng bỗng nghe thấy tiếng gọi của cuộc phiêu lưu (khởi nghiệp).
Trên hành trình đó, anh đã đã vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại nhưng không hề lùi bước. Đến lúc định đầu hàng thì cơ hội chợt đến hoặc được nghe lời khuyên từ một nhà hiền triết. Nhờ vậy, anh có động lực vượt qua tất cả khó khăn và thành công.
Các bạn có thể thấy khuôn mẫu "nhà nghèo vượt khó" vô cùng quen thuộc trong mỗi câu chuyện thành công. Ngày học mẫu giáo, chúng ta thích nghe những câu chuyện cổ tích và ước mở trở thành anh hùng. Lớn lên, chúng ta thích nghe chuyện thành công và ước mơ trở thành triệu phú. Câu chuyện khuôn mẫu vẫn vậy chỉ nội dung và người kể chuyện khác nhau.
Có hai điều khiến cho những CEO "thích nghe kể chuyện" luôn đau đáu, không hiểu tại sao mình áp dụng mà không thành công được như tác giả, chính là do hoàn cảnh và nguồn lực khác nhau.
Nói về hoàn cảnh, Bill Gates được sinh ra trong một thời kỳ mà máy tính bùng nổ và là xu thế. Ông may mắn được tiếp cận máy tính rất sớm nhờ có người cô là thành viên hội đồng quản trị của IBM. Khi một chiếc máy tính có giá hàng triệu đô, to bằng cả một tòa nhà, khi mà đa số người dân còn lạ lẫm với nó thì Bill Gates đã được chạy thử phần mềm trên đó rồi.
Tôi không phủ nhận Bill Gates tài giỏi nhưng nếu ông sinh muộn thêm 30 năm và sống vào thời máy tính đã trở nên phổ thông thì cách làm trong quá khứ sẽ không thể tạo ra thành công như bây giờ. Hoặc giả sử, Steve Job thực sự đi bán táo thì ông cũng khó thành công và vĩ đại như là ông bán điện thoại và máy tính.
Mặt khác, mỗi người có một nguồn lực khác nhau. Vào một ngày đẹp trời, cậu thanh niên Donald Trump quyết định khởi nghiệp, tự lập, không ăn bám vào gia đình nữa. Bắt đầu từ ngày đó, cậu xây dựng nên đế chế Trump trị giá hàng tỷ đô của mình và bây giờ còn ngồi ở vị trí đỉnh cao quyền lực - Tổng thống Hoa Kỳ.
Nhưng có một điều ít người biết đó là cái ngày cậu quyết định không ăn bám gia đình thì cậu khởi nghiệp với chỉ… 14 triệu USD vay từ bố mình. Sau này khi gặp khó khăn trong kinh doanh, cậu vẫn tự lực cố gắng với sự hỗ trợ nho nhỏ… 9 triệu USD từ gia đình.
Nói một cách khác, những câu chuyện thành công chỉ mang tính tham khảo chứ bạn không thể phục chế lại.
Mỗi lần tôi nói chuyện với những CEO hay chuyên gia, tôi ít khi quan tâm đến những tình tiết gay cấn của câu chuyện. Tôi chỉ hỏi họ một điều: "Trong tình huống đó, bằng cách nào và tại sao anh có thể tư duy ra được giải pháp như vậy?".
Tư duy của những người thành công, cách họ nghĩ mới là thứ bạn nên tìm hiểu và học hỏi chứ không phải là những câu chuyện ly kỳ của họ. Khi hiểu được tư duy này thì bạn mới có thể áp dụng và giải quyết được vấn đề của công ty mình, chứ không phải rập khuôn làm theo cách mà những người thành công đã làm.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.