Cụm từ “Ảo tưởng sức mạnh” là một câu nói vui được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng khá nhiều để ám chỉ những người tự tin một cách thái quá vào bản thân mình
Đa số giới trẻ ngày nay đều ảo tưởng về bản thân họ. Họ thường nghĩ rằng mình thuộc “tầng lớp trí thức”, ảo tưởng rằng mình có rất nhiều khả năng, ảo tưởng chắc chắn sẽ thật thành công với chuyên ngành đã học, kiếm thật nhiều tiền…
Nhưng thực tế thì… nếu như thành công đến dễ dàng như vậy thì trên thế giới này mọi người đã thành công hết cả rồi!
“Các em chẳng có gì đặc biệt”
Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCullough Jr. đã gây sốc khi nói thẳng rằng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”.
Giáo viên tiếng Anh David McCullough Jr. đã gây sốc khi nói thẳng rằng: “Các em chẳng có gì đặc biệt”. (Ảnh chụp màn hình youtube)
Thế nhưng, bài phát biểu của thầy đã được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, thu hút được hàng chục ngàn người ủng hộ. Bằng sự thẳng thắn, thầy đã truyền tải một thông điệp thực tế, dù có phần hơi phũ phàng để “Chào mừng các em đến với cuộc đời thực”. Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, thầy McCullough điềm nhiên nói:
“Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng… cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, dỗ ngon ngọt, nghe toàn những lời nài nỉ”…
“Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận”. (Nguồn ảnh: afamily)
Đó có lẽ là lý do khiến các em nghĩ mình thật là đặc biệt, gia đình bảo bọc, chăm bẵm các em quá mức, nhưng hiện thực thì không hề giống như thế:
“Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Điều này có nghĩa là 37.000 học sinh tiêu biểu được đọc bài diễn văn, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên… Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn một cách toàn cảnh: Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Do đó các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ được đâu. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng chẳng là gì đặc biệt cả”.
Những chia sẻ của thầy đã thực sự khiến chúng ta phải một lần nữa nhìn lại chính mình. Hầu hết những người trẻ, dù ít hay nhiều đều có một chút “ảo tưởng” khi sống trong một thế giới màu hồng được tạo nên từ tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô và những người thân. Điều đó dĩ nhiên không có gì là sai trái, nhưng đã đến lúc chúng ta cần đủ trưởng thành để nhận ra rằng: “Niềm vui ngọt ngào nhất của cuộc sống, chỉ đến khi các em thật sự nhận ra rằng các em không đặc biệt. Vì ai cũng như nhau cả mà thôi.”
“Chúc con bất hạnh và gặp thật nhiều khổ đau”
John Roberts – Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từng tốt nghiệp đại học Harvard. Gần đây, ông có đến tham dự lễ tốt nghiệp trung học của cậu con trai, không phải với tư cách chánh án, mà là một phụ huynh. Bài phát biểu của ông ngày hôm ấy đã khiến tất cả mọi người sửng sốt rồi tán dương…
John Roberts – Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ từng tốt nghiệp đại học Harvard. (Ảnh: wikipedia.org)
Ngài Chánh án đã bắt đầu bài diễn văn của mình trong sự ngỡ ngàng của đám học trò non nớt chưa từng trải đời. Lũ trẻ vô cùng kinh ngạc bởi điều chúng chờ đợi là những lời chúc may mắn, mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai, nhưng ông đã không làm thế, và đây là lý do tại sao:
“Từ giờ về sau, ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng.
Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể hiểu được tầm quan trọng của sự chân thành.
Xin lỗi phải nói thế này, nhưng ta hy vọng con cảm nhận được sự cô đơn hàng ngày, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được rằng bạn bè không phải là điều đương nhiên mà con cần phải giữ gìn.
Bằng những lời nói mang đầy ngữ khí “khó nghe”, vị chánh án đã cho bọn trẻ một bài học quý giá khi đối diện với một xã hội phức tạp. (Ảnh: wikipedia.org)
Ta hy vọng con có thể gặp xui xẻo một vài lần, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được ý nghĩa của may mắn trong đời, để con khiêm tốn hiểu rằng thành công mình có lẽ là nhờ vận may, và sự thất bại của người khác cũng không phải là đáng đời.
Ta hy vọng thi thoảng con bị người khác coi thường, chỉ có như vậy con mới hiểu được học cách tôn trọng và lắng nghe là quan trọng tới mức nào. Và ta cũng hy vọng con sẽ học được đủ đau đớn để học cách cảm thông.
Cho dù ta có hy vọng những điều này hay không thì thật ra sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra trong cuộc sống của con. Con có thể tiếp thụ giáo huấn hoặc thu hoạch được gì trong đó hay không, đều dựa vào việc con có nhìn thấy những bài học trong khổ đau của mình hay không.”
Ông còn căn dặn lũ trẻ rằng, khi sang trường mới, hãy làm quen với những người “nhặt lá, xúc tuyết và dọn thùng rác”. Nhớ tên của mọi người, cười và gọi họ bằng tên của họ. Roberts biết rất nhiều học sinh nhà giàu nhưng không hề hư hỏng và ông mong lũ trẻ luôn giữ được những phẩm chất quý giá đó. Ông nói: “Lời khuyên của ta là: Đừng hành động như thể mình ở mâm trên.”
Các bậc cha mẹ nên dạy con cách đối diện với khó khăn thay vì trốn tránh. (Ảnh: time.com)
Tuy ngôn từ không mỹ miều, nhưng người cha ấy đã nói những lời từ tận đáy lòng, thức tỉnh những đứa trẻ mới lớn bớt sống “ảo tưởng” đi, đồng thời cũng nhắc nhở các bậc cha mẹ nên dạy con cách đối diện với khó khăn thay vì trốn tránh.
Đời người vốn có rất nhiều nỗi khổ, khi bạn thấy “học hành rất khổ”, “làm việc rất khổ”, “cuộc đời rất khổ”…, thì xin chúc mừng, bạn đã trưởng thành hơn rất nhiều người còn đang ngủ quên trong cái “bẫy ảo tưởng” đầy cám dỗ chưa thoát nổi để bước vào cuộc sống thực. Bởi vì, “khổ” là một điều tất yếu trong thế gian này.