Một nghiên cứu của trường Đại học Sydney vào năm 2017 đã tìm ra được có 13% những người xin việc có tên tiếng Anh được mời đi phỏng vấn, trong khi đó chỉ có 4.8% những người xin việc có tên gốc Trung Quốc là được gọi đi phỏng vấn.
Gần đây, Cựu Ủy viên của ban chống nạn kỳ thị chủng tộc, Tim Soutphommasane, hy vọng người kế nhiệm mới của ông sẽ giúp cải thiện tỷ lệ được chọn của những người tìm việc không phải người Anglo trong thị trường việc làm.
Điều này nghe có vẻ lý tưởng, mục tiêu cũng đã được đặt ra, thế nhưng việc có làm được hay không vẫn chưa ai có thể nói chính xác.
“Nếu mà quý vị nhìn vào tình hình hiện nay về những vấn đề trong quyền bình đẳng giới tính, chúng ta đã thực sự có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Nó phản ánh những nỗ lực không ngừng trong biết bao nhiêu thập kỷ qua để thay đổi. Nhưng chúng ta lại chưa đạt được những mức độ tương tự trong vấn đề khác biệt sắc tộc.”
Có không ít di dân thực sự cảm thấy mệt mỏi với việc họ bị kì thị, bị đánh giá thấp chỉ vì cái tên của họ, không phải do chính kinh nghiệm hay trình độ - và cũng không ít người đã dẹp bỏ luôn quá trình xin việc mà tự khởi nghiệp.
“Những gì mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng là nơi là mọi người đều có lợi. Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra thêm việc làm trên đất Úc, nó cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề của những người khó mà xin vào thị trường việc làm bây giờ,” Usman Iftikhar cho biết. Anh là người đã di dân đến Úc từ Paskistan vào năm 2013, và là người đứng sau vận hành ‘Catalysr’, một doanh nghiệp trẻ giúp di dân có thể tự khởi nghiệp trong bất cứ mảng nào mà họ có khả năng, từ dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn cho đến công nghệ.
Nhưng không phải ai trong cộng đồng vốn đa dạng sắc tộc này cũng là di dân, và không phải ai cũng muốn khởi nghiệp. Vậy thì phải làm sao nếu như họ muốn xin một công việc trong thị trường việc làm mà vẫn liên tục đối mặt với những khó khăn vô hình đó?
Nhà tâm lý học Dina Ward, cho biết câu trả lời là áp dụng phương pháp ‘tuyển dụng mù’: tức là loại bỏ bất kỳ thông tin cá nhân nào như tên, địa chỉ và trường học trong hồ sơ xin việc, có thể sẽ cải thiện được tình hình.
“Nó không phải là viên đạn bạc, có thể giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng nó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không ít đến quá trình xin việc và chọn ứng viên.”
Nguồn: Sbs.com.au