Nhẫn nhịn là tiền đề để tạo nên một nhân cách lớn lao, mở ra một cảnh tượng hoàn toàn khác.
Cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao!”, đây không phải là lời sáo rỗng dùng để an ủi những người bị thất ý, cũng không phải là điều mà các ẩn sĩ ôm giữ trong lòng để được nhẹ nhõm bản thân. Mà nó là một loại cảnh giới, một loại trí tuệ vượt xa cảnh giới của người bình thường.
“Lùi một bước” cũng chính là cách mà những người trí tuệ thời xưa dùng để đối đãi với người vô cớ nhục mạ, phỉ báng mình. Dưới đây là một câu chuyện như thế:
Vào triều đại nhà Thanh, Đổng Giáo Tăng, tên tự là Ích Phủ, người Thượng Nguyên, Giang Tô, gia cảnh vô cùng bần hàn nhưng rất ham học. Năm ấy, Đổng Giáo Tăng một mình mang hành lý đi lên kinh thành dự thi. Trên đường đi, ông gặp một chiếc thuyền cũng tới kinh thành.
Lúc ấy đúng vào mùa hè, thời tiết oi bức khó chịu, Đổng Giáo Tăng liền xin chủ nhân chiếc thuyền cho đi cùng tới kinh thành và được đồng ý.
Đổng Giáo Tăng từ lúc lên thuyền luôn miệt mài chuyên tâm học bài, ôn thi. Một hôm, Đổng Giáo Tăng đang ngồi bên cạnh khoang lái đọc bài thì có hai công tử con nhà giàu cũng ngồi trong khoang uống rượu ca hát. Hai công tử này nghe thấy bên ngoài có tiếng người đọc sách thì vô cùng ghét, liền đi ra hỏi: “Ngươi là ai?”
Đổng Giáo Tăng liền nói tên mình, đồng thời cũng kể rằng mình đang lên đường vào kinh dự thi. Hai công tử kia nghe thấy vậy liền giễu cợt, nói: “Một kẻ nghèo hèn như ngươi mà cũng muốn lên kinh thành tìm cầu công danh sao?” Câu nói của vị công tử kia vừa dứt thì đám bạn ngồi uống rượu cùng anh ta cũng phá lên cười nhạo, hùa theo mà chế giễu, họ không ngừng nói những lời mỉa mai, làm nhục Đổng Giáo Tăng.
Đổng Giáo Tăng bị đám người của hai công tử kia quấy nhiễu không yên. Vì không còn cách nào khác, anh ta đành phải lên bờ đi bộ mấy trăm dặm. Cuối cùng vì đường quá xa nên anh ta miễn cưỡng phải thuê một chiếc xe để tới kinh thành cho kịp ngày thi. Đúng trong kỳ thi năm ấy, Đổng Giáo Tăng đỗ Thám hoa (học vị dưới trạng nguyên). Ông được phong chức quan Biên tu (quan sử thời xưa), sau lại làm Lang trung. Về sau, ông được phong làm quan án sát ở Tứ Xuyên, đến năm Gia Khánh thứ 9, ông được tiến cử làm Bố chính sử (quan thi hành chính sự) ở Tứ Xuyên.
Vừa hay khi ông nhậm chức ở Tứ Xuyên thì gặp ngay vị công tử năm xưa từng nhục mạ ông cũng đến Tứ Xuyên nhận chức. Khi vị công tử biết Đổng Giáo Tăng được phong làm Bố chính sử Tứ Xuyên, nhớ đến chuyện cũ năm xưa thì trong lòng anh ta vô cùng lo lắng, bất an. Vì thế, vị công tử kia xin từ quan. Đổng Giáo Tăng nghe được chuyện ấy liền đến gặp riêng vị công tử kia và nói: “Năm xưa, Hàn Tín chịu nhục chui háng kẻ vô lại mà về sau vẫn không mang oán thù, ta sao có thể không làm được như cổ nhân? Ngươi không cần phải nhớ đến chuyện năm xưa làm gì!”
Trong tay có chức có quyền lực lớn nhưng Đổng Giáo Tăng lại không hề nhớ chuyện năm xưa mà dùng tấm lòng quảng đại, khoan dung tha thứ để đối đãi với vị công tử ấy. Điều này khiến mọi người biết chuyện đều thập phần cảm phục nhân cách của ông.
Khổng Tử từng nói: “Bá Di, Thúc Tề, bất niệm cựu ác, oán thị dụng hy”. (Tạm dịch: Bá Di, Thúc Tề, không nhớ đến điều xấu cũ, nên ít oán người). Một người nếu có thể tha thứ cho người khác thì trong lòng người ấy sẽ rất ít oán thù. Bởi vậy cổ nhân thường nói, khi gặp phải mâu thuẫn “lùi một bước biển rộng trời cao”. Đây thực sự là những lời vàng ngọc để xóa hận giải oán. Nếu đôi bên đối phương không thể tha thứ, luôn tìm ra sự thiếu hụt, khuyết điểm của nhau mà tranh cãi thì mâu thuẫn sẽ không bao giờ kết thúc, quả thực đúng là “oan oan tương báo đến bao giờ?”
Sống trên đời, phải nên làm một người có thể bao dung người khác, tha thứ được những lỗi lầm của người khác. Những thương tổn đến từ bên ngoài giống như những tảng đá ngầm bên bờ biển, bất quá chỉ làm cho những bọt sóng thêm trắng xóa xinh đẹp mà thôi. Hãy nhớ rằng biển rộng không than thở mà dung nạp hết thảy.
Nhà Phật dạy rằng, con người có nợ thì phải hoàn trả. Trong dòng lịch sử dài này, trong vòng luân hồi chuyển kiếp này, rất có thể vì chúng ta đã từng làm tổn thương người khác cho nên giờ đây người khác mới làm tổn thương lại mình.
Cho nên, hãy coi khoan dung tha thứ như là một cách hoàn trả cho họ, chẳng phải tốt hơn sao?
An Hòa