Một ông cụ người Nhật Bản 85 tuổi đang chống đẩy khi tham gia buổi tập luyện với đội bóng bầu dục dành cho người trên 70 tuổi ở quận Kanagawa - Ảnh: AFP
Theo báo SCMP, giám đốc nghiên cứu của tổ chức dữ liệu người cao tuổi Nhật Bản LongeviQuest, Yumi Yamamoto, cho biết họ đã ghi nhận thêm 4 người sống thọ trên 110 tuổi, hay còn gọi là những người “siêu” thọ bách niên (tiếng Anh là supercentenarian) ở quốc gia này vào năm 2023.
Trong số đó có bà Fusa Tatsumi - người phụ nữ lớn tuổi nhất Nhật Bản, vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 116 vào mùa xuân. Bà cũng là chắt gái của cụ Shigeyo Nakachi, người lớn tuổi thứ 2 tại Nhật Bản đã mất vào năm 2021.
LongeviQuest đã xác minh 269 trường hợp siêu thọ tại Nhật Bản, trong đó có tỉnh Okinawa - một trong các Vùng Xanh của thế giới. Khu vực này có số người siêu thọ cao hơn hẳn những nơi khác.
Sau khi nghiên cứu thói quen của nhóm người siêu thọ này, bà Yamamoto cho biết người siêu thọ tại Nhật Bản vẫn có xu hướng không ăn nhiều thịt và dành nhiều thời gian cho gia đình giống như những Vùng Xanh khác. Tuy nhiên, họ có 4 thói quen đặc biệt.
Ngừng ăn khi đã no 80%
Bà Yamamoto nói rằng người Nhật Bản thường sử dụng cụm từ “Hara hachi bu” để chỉ việc ngừng ăn khi đã no 80%. Quan niệm này giúp người Nhật ăn trong chánh niệm (thuật ngữ chỉ việc ăn có chủ đích trong sự lưu tâm) và hạn chế lượng calo dư thừa giúp làm giảm các chứng viêm nhiễm.
Theo khảo sát, lượng calo trung bình hằng ngày của một người đến từ Vùng Xanh Okinawa chỉ khoảng 1.900, thấp hơn mức 2.000 calo mà Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị.
Giữ chừng mực
Bà Kane Tanaka ăn mừng sinh nhật lần thứ 116 của mình vào năm 2019 - Ảnh: AFP
Bà Yamamoto chia sẻ bài học lớn nhất bà nhận ra khi trò chuyện với những người siêu thọ chính là “đừng làm mọi việc quá mức, hãy làm mọi việc có chừng mực”.
Bà Kane Tanaka (119 tuổi), người già nhất Nhật Bản và là người già thứ 2 được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, rất thích Coca-Cola. Tuy nhiên bà chỉ uống 1 chai mỗi ngày.
Người Nhật không chỉ giữ chừng mực trong ăn uống mà còn trong nhiều việc khác, chẳng hạn như thức khuya, bà Yamamoto nói.
Vận động nhiều hơn
Ông Hidekichi Miyazaki (đã mất vào năm 2019, thọ 109 tuổi) tham gia cuộc thi chạy 100m ở Kyoto vào năm 2015 - Ảnh: AFP
Nhiều nghiên cứu khẳng định việc thực hiện các hoạt động thể chất cường độ cao trong thời gian ngắn có thể làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim, từ đó cải thiện tuổi thọ.
Bà Yamamoto cho biết người dân Nhật Bản duy trì thói quen tập thể dục Rajio Taisou (tiếng Anh là Radio Taiso) đã gần 95 năm, bắt đầu từ năm 1928. Đây là chương trình thể dục được phát qua radio hướng dẫn người nghe thực hiện động tác tăng cường sức khỏe 5 phút mỗi ngày.
Hầu hết những người đến từ Vùng Xanh được khảo sát cho biết họ thường xuyên kết hợp các động tác nói trên vào cuộc sống thường nhật - kể cả lúc đi bộ, di chuyển lên cầu thang và thậm chí là trong lúc chơi các môn thể thao khác.
Ngồi thẳng lưng
Bà Masako Wakamiya, 87 tuổi, hiện vẫn là nhà phát triển ứng dụng cao tuổi nhất thế giới (ảnh chụp vào năm 2017) - Ảnh: AFP
Bà Yamamoto nhớ lại: “Một điều tôi nhận thấy ở những người thọ và siêu thọ ở Nhật Bản là họ rất kỷ luật và nghiêm khắc với bản thân về tư thế ngồi thẳng”.
“Con người có xu hướng khom lưng về trước một chút khi về già, nhưng những người già tại Nhật Bản, thậm chí là rất già, vẫn giữ được dáng lưng thẳng”, bà nhận xét.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tư thế lưng tốt có thể giảm thiểu căng thẳng, ngăn ngừa đau đớn và giúp cơ thể hoạt động trơn tru.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online