Có phải lo lắng khi ăn no xong lại thấy buồn ngủ? - Ảnh minh họa
Cứ ăn xong là thấy buồn ngủ, có cần lo?
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, cho biết câu "căng da bụng chùng da mắt" thật ra cũng không sai, thậm chí còn có cơ sở khoa học.
Tuy nhiên hiện tượng buồn ngủ sau khi ăn thường không quá thường xuyên. Nó chỉ xuất hiện khi bạn ăn no quá mức, ăn quá nhiều các món giàu tinh bột, chất béo hay đồ ngọt hoặc cơ thể vốn đang mệt mỏi, thiếu chất, thiếu ngủ.
Còn nếu lúc nào ăn xong cũng cảm thấy buồn ngủ, nhất là cơn buồn ngủ tới nhanh và cảm thấy khó chống đỡ thì hãy cẩn trọng với 4 căn bệnh sau đây:
- Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường tiết insulin không đủ, dễ dẫn đến lượng đường trong máu "mất kiểm soát" sau khi ăn. Từ đó khiến họ dễ cảm thấy buồn ngủ, buồn ngủ nhanh và khó chống đỡ hơn người bình thường.
- Suy giáp: Bệnh lý suy giáp làm giảm khả năng sản xuất hormone của cơ thể. Ví dụ như có quá ít hormone tuyến giáp làm ảnh hưởng đến nồng độ serotonin trong não và dễ gây chán nản, mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ kém, phản ứng chậm.
Nhất là vào thời điểm ăn no, hormone tuyến giáp để đáp ứng nhu cầu trao đổi, hoạt động của cơ thể trong khi hoạt động tiêu hóa cần nhiều năng lượng nên sẽ muốn nghỉ ngơi.
- Bệnh tim: Nếu lượng máu cung cấp không đủ sẽ dẫn đến thiếu oxy lên não và giảm hoạt động của hệ thần kinh dẫn đến không thể tỉnh táo. Các triệu chứng buồn ngủ thường xuyên cũng có thể là vấn đề với chức năng tâm thu của tim.
Trong khi đó, khi ăn no thì máu sẽ dồn xuống thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở dạ dày và thiếu máu đến các cơ quan khác, bao gồm cả tim hay não.
- Huyết áp thấp: Người bị huyết áp thấp vốn dễ mệt mỏi, buồn ngủ. Sau khi ăn no hormone thay đổi, dẫn tới rối loạn chức năng trong hệ thần kinh khiến các cơ bị co thắt nên sẽ khó chống đỡ cơn buồn ngủ. Hạ huyết áp sau bữa ăn còn là căn bệnh đặc trưng của người cao tuổi và có thể kèm theo chóng mặt.
Chớ nên ăn no trước khi đi ngủ - Ảnh minh họa
Bí quyết trước khi ngủ của những người trường thọ
Bác sĩ Thái nhấn mạnh con người chúng ta dành 1/3 thời gian cuộc đời cho việc ngủ để cho các bộ phận cơ thể, đặc biệt là não bộ được nghỉ ngơi.
Trong đó giấc ngủ đêm luôn chiếm nhiều thời gian nhất, vì vậy những việc bạn làm trước khi đi ngủ vào ban đêm có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Thực hiện một vài cách đơn giản trước khi đi ngủ sẽ giúp chúng ta có một giấc ngủ sâu và ngon hơn và nhờ đó sức khỏe tổng thể của cơ thể sẽ được nâng cao cải thiện sức đề kháng, nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
- Đi bộ nhẹ nhàng trước khi ngủ khoảng 1 tiếng: Nhiều người có thói quen tập thể dục quá sức trước khi đi ngủ, điều này sẽ khiến các dây thần kinh vận động bị hưng phấn, do đó dễ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng lại đem đến hiệu quả sức khỏe rất tốt.
- Không ăn quá no trước khi đi ngủ: Chúng ta không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, đặc biệt là vào buổi tối, bởi bình thường hệ tiêu hóa của con người mỗi ngày chỉ tiết ra một lượng dịch tiêu hóa nhất định.
Nếu ăn quá no sẽ khiến dạ dày căng phồng, việc tiết dịch tiêu hóa không đủ, thức ăn không được tiêu hóa hết đã bị bài tiết ra ngoài.
- Không xem điện thoại trước khi ngủ: Với sự phát triển của xã hội, công nghệ điện tử ngày càng trở nên phổ biến nên nhiều người đã hình thành thói quen dùng điện thoại trước khi ngủ, vô hình trung khiến bạn thức khuya. Cơ thể không được nghỉ ngơi, tổn thương thị lực, lâu dài thị lực sẽ ảnh hưởng đến gan tức là gan tiêu hao máu, sẽ làm cho gan bị tổn thương.
Theo một số nghiên cứu, nếu bạn đi ngủ trước 11 giờ đêm, thức dậy vào khoảng 6 - 7 giờ sáng, tổng thời gian ngủ khoảng 8 tiếng rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.
- Ngâm chân trước khi đi ngủ: Ngâm chân trước khi đi ngủ là một phương pháp chăm sóc sức khỏe rất hiệu quả. Có hơn 60 huyệt đạo trên bàn chân có liên quan mật thiết đến các nội tạng của cơ thể.
Thói quen ngâm chân trong nước có nhiệt độ vừa phải, xoa bóp các ngón chân và lòng bàn chân ngoài giúp thúc đẩy quá trình lưu thông khí và huyết còn có thể kích hoạt kinh lạc, giúp cân bằng âm dương, an thần, cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn.
Việc ngủ ngon hơn giúp bạn có tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe khoắn vào ngày hôm sau. Từ đó sức khỏe tổng thể cũng được cải thiện rõ ràng, tuổi thọ vì thế mà kéo dài hơn.
- Uống nước ấm trước khi đi ngủ: Khi một người bước vào giấc ngủ, cơ thể sẽ đi vào trạng thái hoạt động sửa chữa và cần nhiều nước để thực hiện chuyển hóa. Đó là lý do tại sao nhiều người cảm thấy miệng khô sau khi thức dậy vào ngày hôm sau.
Do đó việc uống một cốc nước trước khi đi ngủ là điều vô cùng cần thiết, nhất là đối với những người bị máu đặc và các bệnh tim mạch, mạch máu não.
Ngủ nhiều hay ít đều hại sức khỏe
Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe và là một quá trình sinh lý quan trọng của cơ thể người, nội tiết - chuyển hóa, tác động mạnh mẽ đến điều hòa hoạt động hệ thần kinh, tim mạch - hô hấp, miễn dịch… thông qua các cơ chế thần kinh và thể dịch.
Theo Viện Y học giấc ngủ Mỹ (AASM), để có một sức khỏe tối ưu thì người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Ngủ không đủ hay ngủ quá nhiều hơn thời gian này cũng như chất lượng giấc ngủ không tốt đều gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan và các bệnh lý của các hệ cơ quan có thể làm thay đổi cấu trúc và chất lượng giấc ngủ.
Các rối loạn giấc ngủ thường gặp: ngủ ít - thiếu ngủ, ngủ ngáy - ngừng thở khi ngủ, mất ngủ. Ngoài ra còn có một số rối loạn giấc ngủ khác ít gặp hơn như: rối loạn cử động chi trong khi ngủ, ngủ rũ, rối loạn cận giấc ngủ.
HÀ LINH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online