Chán ngán công việc áp lực cao, nhiều người Mỹ sống tiết kiệm để có thể nghỉ hưu khi mới ngoài 30 tuổi.
Carl Jensen trải nghiệm cảm giác mà anh gọi là "giác ngộ" vào năm 2012, New York Times đưa tin.
Jensen từng là kỹ sư phần mềm sống ở vùng ngoại ô Denver, bang Colorado, Mỹ. Công việc viết code cho các thiết bị y tế vô cùng áp lực: Jensen phải báo cáo chi tiết lên Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, mọi lỗi lập trình đều có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Mỗi năm, Jensen kiếm được khoảng 110.000 USD chưa kể các khoản phúc lợi khác.
Nhưng công việc thu nhập cao cũng có cái giá của nó. Sau giờ làm, Jensen vẫn không thể toàn tâm toàn ý nghỉ ngơi với gia đình. Anh thường xuyên trốn trong phòng vệ sinh để đỡ căng thẳng. Jensen sụt mất 4,5 kg.
Một hôm sau ngày làm việc kiệt sức, Jensen chán chường gõ vào cửa sổ tìm kiếm Google "Làm thế nào để nghỉ hưu sớm?" và câu trả lời hiện ra trên màn hình khiến anh bừng tỉnh.
Đó chính là khoảnh khắc anh gọi là "giác ngộ". Jensen về nhà và nói chuyện nghiêm túc với vợ. Họ lên một kế hoạch: Trong 5 năm tới, hai vợ chồng sẽ để dành riêng một khoản tiền từ thu nhập hàng tháng và cắt giảm mạnh tay chi phí sinh hoạt với mục tiêu tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu USD.
Và đúng vào ngày thứ Ba, 10/3/2017, tức 5 năm sau đó, Jensen gọi điện cho sếp và thông báo anh nghỉ việc sau 15 năm gắn bó với công ty. Chính xác không phải là "nghỉ việc" mà là "nghỉ hưu" ở tuổi 43.
Những câu chuyện tương tự như của Jensen không phải là hiếm trong giới tài chính phố Wall. Những nhà đầu tư, môi giới chứng khoán sau vài phi vụ triệu đô liền nghỉ hưu và vi vu trên du thuyền ở vùng Caribe. Họ là những trí thức trẻ, có kỹ năng, có tay nghề, khao khát nghỉ hưu sớm.
Phong trào FIRE (viết tắt của cụm từ "Độc lập Tài chính, Nghỉ hưu Sớm") nổi lên như một lối thoát của người trẻ khỏi văn hóa làm việc vắt kiệt không chỉ sức lực mà cả tinh thần của con người. Các "tín đồ" của phong trào này thường là nam giới trong ngành công nghệ, hay những người tư duy thiên về não trái tính "nhanh như chảo chớp" lãi gộp 40 năm của một khoản tiết kiệm hoặc dễ dàng so sánh giữa lợi nhuận ròng của một khoản đầu tư chứng khoán và lãi từ việc cho thuê bất động sản.
Phong trào FIRE chia ra nhiều "trường phái": người hà tiện hết mức có thể; số khác tích cực tiết kiệm và đầu tư nhưng vẫn giữ cuộc sống hàng ngày ở mức tương đối dễ chịu; nhóm thứ ba sau khi nghỉ hưu, đi làm các công việc chân tay đơn giản. Dù theo trường phái nào, FIRE nghĩa là cắt giảm chi phí sinh hoạt xuống mức tối đa trong khi đó tăng các khoản đầu tư để tạo thêm thu nhập. Trên các diễn đàn về FIRE, người ta mách nhau các chiến thuật để làm sao tiết kiệm đến 70% thu nhập hàng tháng, những mánh mua vé máy bay giá rẻ, hoặc cách tiết kiệm vài đồng khi đi chợ.
"Nhiều người cho rằng chúng tôi là lũ hippy thời đại mới", Jensen nói về phong trào cuối những năm 1960 ở Mỹ của một bộ phận giới trẻ bất mãn với hệ thống chính trị và xã hội. "Họ không thể hiểu nổi tại sao chúng tôi làm như vậy". Jensen và vợ đã bán đứt ngôi nhà 4 phòng ngủ, 4 phòng tắm và chuyển vào một căn nhà nho nhỏ để đủ tiền về hưu sớm.
Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng anh Jensen, cùng hai con gái, định sẽ sống với mức chi phí sinh hoạt 40.000 USD một năm bằng đúng lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư. Chưa biết cuộc sống trong tương lai thế nào nhưng hiện gia đình Jensen đang "thắt lưng buộc bụng": Mua thực phẩm ở đại siêu thị giá rẻ Costco. Nếu đồ dùng trong nhà hỏng hay xe ôtô chết máy, Jensen phải tự sửa.
"Mọi người luôn cho rằng phải do ngoại cảnh tác động như: 'Ồ chắc hẳn anh được thừa kế một khoản lớn'", Jensen phân trần. "Nhưng chính chúng tôi chọn cách sống tằn tiện. Ý nghĩa cách mạng của việc này nằm ở đó".
Cách mạng không kém là những người bứt phá khỏi thị trường lao động khi mới ngoài 30-40 tuổi, quãng thời gian mà ai cũng đang dốc toàn tâm toàn sức cho sự nghiệp hoặc không chí ít cũng cố gắng "cày" qua ngày tháng để đợi sổ hưu.
Jason Long, một dược sĩ ở vùng ngoại ô bang Tennessee, nghỉ hưu từ năm ngoái khi anh mới 38 tuổi. Cha anh không thể hiểu tại sao con trai không tiếp tục đi làm và đợi lĩnh một cục lương hưu 150.000 USD. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Long không cảm thấy hạnh phúc khi đi làm. Chứng kiến những người bệnh không có bảo hiểm y tế vật lộn với giá thuốc tăng mạnh, nạn nhân của nạn kê thuốc giảm đau "vô tội vạ", Long cho biết anh cảm thấy mỗi ngày đi làm như một ngày khổ. Anh nhiều lần bị những con người tuyệt vọng trong bạo bệnh mắng nhiếc, chửi rủa thậm chí hành hung.
"Có những ngày tôi làm 12-14 tiếng liên tục mà không một lần đi vệ sinh, không ăn uống vì có quá nhiều việc", Long kể. Cũng giống như Jensen, Long kiên trì tiết kiệm suốt 10 năm. Anh và vợ sở hữu một căn nhà trả góp và một danh mục các khoản đầu tư trị giá hơn 1 triệu USD. Vậy thì còn chần chừ gì mà không nghỉ việc? "Các con số lúc đó đã đủ thuyết phục", Long nhớ lại. "Đi làm khốn khổ từng ngày chỉ để kiếm thêm vài đồng gửi vào tài khoản ngân hàng thì đi làm làm gì!"
Không giống như trước kia, những người bỏ việc thường bị coi là "sống không có lý tưởng", nhiều người trẻ hiện nay thậm chí đã nghỉ làm cả 10 năm. Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế tri thức, người lao động không thể kiểm soát được "vận mệnh" của mình. "Không ai là không thể thay thế. Nếu là một người trẻ, anh sẽ nhìn về tương lai và tự nhủ: 'Điều gì đang đợi ta phía trước?'", Vicki Robin, tác giả một cuốn sách tư vấn tài chính, nhận xét.
Đó chính xác là trường hợp của Kristy Shen và Bryce Leung. Khi về hưu năm 2015 để chu du vòng quanh thế giới, cặp vợ chồng người Canada này đang khá nổi tiếng trên mạng và lúc đó họ mới ngoài 30 tuổi.
Khoảnh khắc "giác ngộ" của Shen đến khi cô chứng kiến một đồng nghiệp, sau 14 tiếng làm việc, ngất ngay tại chỗ và phải đi bệnh viện cấp cứu. Trước đó, vợ chồng Shen và Leung, đi theo lối mòn của cha mẹ, gắng sức mua nhà ở Toronto giữa cơn sốt thị trường bất động sản.
Dù cả hai đều là trí thức trình độ và làm việc trong ngành công nghệ có thu nhập hấp dẫn, Shen và Leung vẫn đối mặt với tương lai bấp bênh khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi còn gia công phần mềm chuyển qua các nước đang phát triển. Và quan trọng, cả hai đều không có lương hưu. Trong khi đó, công việc hiện tại ngốn hết thời gian của họ, gần như 24 giờ mỗi ngày và liên tục 7 ngày một tuần.
Họ quyết định bỏ ngang căn nhà đang trả góp để giải phóng bản thân khỏi áp lực phải đi làm kiếm tiền trả lãi hàng tháng. Sau đó, hai vợ chồng rót tiền vào một danh mục đầu tư rồi nghỉ hưu. "Những lời khuyên của bố mẹ chúng tôi vô cùng hoàn hảo hồi những năm 1970", Shen nói. "Chúng tôi đã vứt bỏ những quy tắc cũ đó và viết quy tắc mới cho mình". Còn anh Leung có cách giải thích thẳng thắn hơn. "Chúng tôi không có công việc ổn định cả đời", anh nói. "Chúng tôi phải tự tìm lối thoát".
Một điểm chung của những người theo phong trào FIRE là rời bỏ thành phố lớn, thoát khỏi cảnh gồng mình thuê nhà với giá "cắt cổ" ở New York hay Nam California. "Chúng tôi mất gần 3.000 USD tiền nhà hàng tháng, con số không nhỏ chút nào", Scott Rieckens, 35 tuổi, nói anh sống cùng vợ và con gái mới sinh ở thị trấn ven biển Coronado, California. "Hai vợ chồng kiếm khoảng 160.000 USD nhưng không tiết kiệm được mấy".
Sau khi tình cờ nghe cuộc phỏng vấn trên đài với Quý ngài Tiền bạc Ria quặp, một chuyên gia tư vấn lối sống tằn tiện, anh Rieckens bắt đầu tham gia phòng trào FIRE.
Hai vợ chồng dừng thuê ôtô BMW và cắt giảm số lần đi ăn nhà hàng. Dù đã thay đổi lối sống và thói quen chi tiêu, Rieckens và vợ vẫn không thể tăng tiền tiết kiệm lên đáng kể. Cuối cùng, họ quyết định chuyển đến sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt rẻ hơn. Chiến thuật này nghĩa là "hái tiền ở chỗ trũng" như Thung lũng công nghệ Silicon, "rồi đổ vào bất cứ thị trấn, thành phố nào trong số hàng nghìn thị trấn và thành phố xinh đẹp, phải chăng khác".
Vợ của Rieckens ban đầu miễn cưỡng từ bỏ xe BMW và cuộc sống bên bờ biển, nhưng sau khi nghe chồng phân tích và nhận thấy có hai sự lựa chọn: một là họ có thể nghỉ hưu sau 10 năm; hai là họ tiếp tục cuộc sống hòa nhoáng hiện tại và về hưu năm 90 tuổi. "Trước đó, tôi chưa bao giờ để ý đến vấn đề tài chính và nghĩ mọi thứ sẽ đâu vào đấy", cô Rieckens nói. "Nhưng sau khi sinh con, tôi lúc nào cũng muốn có thêm thời gian ở bên con. Trong khi, để duy trì lối sống cũ, tôi gần như biến thành nô lệ của công việc".
Vợ chồng Rieckens rời Nam California và chuyển đến Bend ở bang Oregon, một thành phố nhỏ với dân số hơn 70.000 người. Không bị đánh thuế giá trị gia tăng trên hàng hóa dịch vụ, hai vợ chồng dễ dàng mua được một căn nhà vừa tiền. Dù cả nhà vẫn dùng chung một chiếc Honda CRV tiết kiệm xăng, anh Rieckens thường chạy quanh thành phố bằng xe máy. "Nghỉ hưu sớm không quan trọng. Quan trọng hơn cả là tôi được toàn quyền kiểm soát thời gian của mình", anh Rieckens phân tích.
Vậy những người nghỉ hưu sớm làm gì với những ngày, tháng, thậm chí năm không đi làm? Một buổi chiều giữa tuần, anh Carl Jensen dẫn hai cô con gái, 8 và 11 tuổi, đi chơi hội chợ. "Chúng tôi đợi đến thứ Năm mới đi vì giá cả hôm đó giảm còn một nửa", Jensen nói. "Ba cha con đi bộ 3 cây số đến đó".
Hồi mới về hưu, Jensen không quen với nhịp sống mới. Cảm giác buồn chán ập đến khi anh nhận thấy mình là người duy nhất trong cửa hàng mua sắm vào sáng thứ Ba. Các buổi tụ họp gia đình trở nên kỳ quặc khi mẹ anh vẫn bận rộn đi làm trong khi con trai của bà đã nghỉ hưu từ lâu.
Nhưng sau một năm, mọi thứ bắt đầu đi vào quy củ. Jensen hạnh phúc có thêm thời gian chăm sóc con cái. Ngoài ra, anh viết blog tư vấn tài chính, hoạt động được ví như "môn đánh golf" của giới FIRE. Nhiều người nghỉ hưu sớm thành công đã trở thành blogger nổi tiếng, thậm chí xuất bản sách về quản lý tài chính, đầu tư khôn ngoan, hướng dẫn cách tiết kiệm đủ tiền để bỏ việc và về hưu sớm. Quan trọng không kém, viết blog và xuất bản sách tạo thêm nguồn thu nhập.
Chàng dược sĩ Jason Long ở vùng ngoại ô bang Tennessee là một blogger hoạt động tích cực. Một tháng sau khi theo phong trào FIRE, Long tâm sự trên mạng về cảm giác tội lỗi khi trót vung tiền mua trò chơi điện tử và lo lắng chi phí sinh hoạt tháng này sẽ vượt quá hạn mức. Anh kể chi tiết các hoạt động trong ngày như thời gian dành cho gia đình, đi tập gym hay làm việc nhà. "Tôi đã quyết định đúng. Đây mới là sống", Long viết trên blog.
Sang tháng thứ hai, Long kể tiền trong danh mục đầu tư của anh đã tăng 2,8% và liệt kê hàng loạt thành tích như: đọc thêm bao nhiêu cuốn sách, nấu được bao nhiêu món ăn mới, tham gia các hoạt động tình nguyện nào và "giải khối rubik với tốc độ nhanh hơn". "Một người bạn nói rằng không còn thấy nét căng thẳng trên khuôn mặt tôi", Long nói.
"Cuộc sống của tôi tốt hơn rất nhiều so với trước kia", Long viết sau 7 tháng về hưu. "Tôi hy vọng mọi người đều tìm thấy cho mình sự bình yên này".
Dẫu vậy, Long thừa nhận có thể quyết định nghỉ việc và về hưu sớm đơn giản do anh đã quá mệt mỏi và kiệt sức. Sống theo phong trào FIRE chỉ là khoảng thời gian tạm nghỉ cho đến khi anh tìm được công việc tốt hơn.
Gần đây, Long nhận được lời mời quay trở lại ngành dược, vừa đọc xong yêu cầu công việc, Long cảm thấy tim đập nhanh, khó thở, căng cơ, chân tay run - những triệu chứng của một cơn hoảng loạn dạng nhẹ.
Một sáng thức dậy không có tiếng chuông đồng hồ, Long mở đầu ngày mới với 30 phút đọc tin tức trên mạng rồi xỏ giầy ra ngoài chạy bộ 10 km. Sau đó, anh về nhà, làm một giấc ngủ trưa. Trước khi chợp mắt, anh "dành chút thời gian ngắm quạt quay trên trần nhà".
Long hay cày phim trên trang web tổng hợp 1.000 bộ phim hay nhất và đã xem xong 600 phim. Anh cũng có việc để làm chứ không hoàn toàn rảnh rỗi.