Ngày 20-12, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hằng năm số bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiệm cận con số 20.000 người. Mỗi ngày trung bình bệnh viện có 50-70 bệnh nhân nhập viện điều trị đột quỵ.
Mỗi trường hợp bị đột quỵ trong những hoàn cảnh khác nhau. "Có một vài bệnh nhân bị đột quỵ sau khi tắm đêm, nhưng cũng có nhiều trường hợp chỉ mới có ý định đi tắm (chưa kịp đi tắm) cũng đã xảy ra đột quỵ.
Cũng có một số ca đột quỵ xảy ra khi đang ăn cơm, khi đang buộc dây giày, cắt trái mít, hoặc đang cắn một trái ổi...
Cũng có một số tình huống khác nghiêm trọng hơn, vừa cãi nhau có một câu mà cũng lăn ra nằm một chỗ. Khá nhiều bệnh nhân 'oan nghiệt' hơn (theo y văn, chiếm tỉ lệ 14-28%), tuyệt đối không làm gì cả, chỉ có đi ngủ mà sáng hôm sau cũng bị đột quỵ", PGS Huy Thắng thông tin.
PGS Huy Thắng ước tính có khoảng 70% bệnh nhân xảy ra đột quỵ sau khi làm gì đó và 30% không làm gì.
Theo PGS Huy Thắng, đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm vì nguy cơ tử vong và tàn phế rất cao. Nhưng bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ vào việc tuân thủ điều trị để kiểm soát tối ưu các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, rung nhĩ và tuyệt đối nói không với thuốc lá và chất gây nghiện.
Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ
Cần nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ (FAST sign) như tê hoặc yếu cơ, tay chân, thường ở một bên cơ thể, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, nhìn đôi hoặc khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt, rối loạn ngôn ngữ, nói khó, nói đớt hoặc khó hiểu lời nói của người khác tạm thời...
Khi người bệnh có những triệu chứng này nên được đưa đến ngay các bệnh viện gần nhất có thể điều trị đột quỵ. Không nên trì hoãn việc đến bệnh viện vì bất kỳ lý do gì vì có thể làm giảm kết quả điều trị.
THÙY DƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online