Những hũ đựng tro cốt sẽ thuận tiện hơn cho người thăm viếng cũng như tiết kiệm diện tích
Nhật Bản là một quốc gia thần kỳ với nền văn hóa có nhiều khác biệt so với các vùng trên thế giới. Tuy nhiên sự khác biệt đó có nguyên nhân và vô cùng logic. Một trong những sự logic đó là câu chuyện hỏa táng người đã khuất của Nhật Bản.
Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ hỏa táng cao nhất thế giới với gần 100% số người đã mất được mai táng theo kiểu này. Từ thập niên 1930, tỷ lệ hỏa táng tại Nhật Bản đã vượt số người mất được chôn cất bình thường theo truyền thống và đến thập niên 1970 thì đây đã trở thành loại hình mai táng chính trên toàn quốc.
Quốc gia hỏa táng
Hỏa táng có lịch sử khá lâu đời trên thế giới khi những bằng chứng khảo cổ cho thấy chúng xuất hiện ít nhất từ 17.000 năm trước đây. Ngay từ thời xa xưa, con người đã sử dụng hỏa táng như một phương pháp chôn cất hiệu quả nhắm tránh việc thi thể bị dã thú đào bới.
Tại Nhật Bản, hỏa táng gắn liền với sự ảnh hưởng của Phật giáo khi truyền bá vào đất nước này. Ban đầu, việc lựa chọn hỏa táng tại Nhật vẫn mang nặng tính tôn giáo khi mới được truyền bá nhưng dần về sau, việc giảm thiểu những rủi ro về dịch bệnh, tiết kiệm diện tích đất cùng hàng loạt những vụ thiên tai, chiến tranh khiến lượng người chết hàng loạt đã biến hỏa táng thành phương pháp mai táng tối ưu.
Hỏa táng đã du nhập vào Nhật Bản từ khá lâu
Theo các dữ liệu lịch sử, hỏa táng đã có mặt tại Nhật Bản từ 1.000 năm trước công nguyên (BC) nhưng phải đến thời kỳ năm 700 sau công nguyên (AD) thì hình thức mai táng này mới tạo được tiếng vang trong xã hội. Vào thời điểm đó, việc hỏa táng nhà sư nổi tiếng Dosho, người từng gặp Đường tam tạng trước khi Tây du sang Ấn Độ, năm 700 AD và Nhật hoàng Jito vào năm 703 AD đã tạo được dấu ấn trong tầng lớp thượng lưu Nhật Bản.
Dẫu vậy, Nhật hoàng Jito không phải là người có tiếng nói lớn trong xã hội thời đó nên hỏa táng chưa tạo được thành trào lưu chủ đạo. Phải đến thời kỳ Heian (794-1185) thì hỏa táng mới dần mở rộng cùng với sự phát triển của Phật giáo tại Nhật.
Tuy vậy hỏa táng vẫn chỉ được một bộ phận tầng lớp thượng lưu sử dụng do chi phí gỗ cho hỏa táng khá đắt. Phải đến thời kỳ Kamakura (1185-1333) thì người dân đại chúng Nhật Bản mới có cơ hội tiếp xúc loại hình mai táng này. Khi đó, mỗi nhà sẽ góp một ít củi gỗ cho gia đình có tang để hỏa thiêu.
Trong suốt quá trình này, hỏa táng gặp sự cản trở khá nhiều từ Nho giáo khi những người theo đạo Khổng cho rằng hỏa táng là hình thức chôn cất không hợp tự nhiên và không tôn trọng người đã khuất. Quá trình đấu tranh này diễn ra cho đến tận thời kỳ Minh trị năm 1868 khi Nhật hoàng muốn biến Nhật Bản thành một quốc gia hiện đại, phát triển Bởi vậy, chính phủ Nhật cho rằng việc hỏa táng mang nặng hình thức tôn giáo và không có lợi cho sự phát triển đất nước.
Năm 1873, bất chấp những vụ tranh cãi, Nhật Bản cấm hỏa táng trên cả nước và ngay lập tức tạo ra những hệ lụy khôn lường. Đầu tiên, quy định này không được thi hành triệt để bởi tốc độ đô thị hóa của Nhật thời kỳ này quá nhanh và tại rất nhiều vùng, người dân không có đủ chỗ cho việc chôn cất thông thường.
Cùng thời gian đó, những nghiên cứu khoa học của Phương tây cho thấy việc hỏa táng có thể ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh. Hệ quả là chưa đầy 2 năm sau lệnh cấm, chính phủ Nhật Bản đã phải dỡ bỏ quy định này và cho phép người dân được hỏa táng trở lại.
Thậm chí vào năm 1897, nhận thức được những lợi ích từ hỏa táng, Nhật Bản chính thức ban hành quy định bất kỳ người tử vong nào do bệnh tật hoặc có liên quan đến dịch bệnh sẽ phải hỏa táng. Chính phủ Nhật thời kỳ này cũng tích cực cổ xúy người dân hỏa táng thay vì chôn cất nhằm tránh lây lan dịch bệnh cũng như để tiết kiệm diện tích đất cho phát triển kinh tế.
Chôn cất truyền thống quá tốn chỗ khiến hỏa táng lên ngôi
Trong quá trình này, việc diễn ra nhiều vụ thiên tai, động đất và đặc biệt là ảnh hưởng thảm khốc từ Thế chiến II đã thúc đẩy người dân Nhật hỏa táng. Số lượng người chết quá lớn và quá nhiều khiến rất nhiều hộ gia đình khó lòng làm các nghi lễ chôn cất truyền thống, chưa kể đến những tác động từ thiên tai và chiến tranh có thể ảnh hưởng đến những ngôi mộ.
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa nhanh khiến diện tích nghĩa địa ở Nhật Bản ngày càng thu hẹp. Nếu người dân muốn chôn cất thông thường họ sẽ phải đi khá xa ra ngoại thành, bất tiện hơn nhiều so với việc để tro cốt hỏa táng trong chùa hay thậm chí là tại gia.
Hết chỗ chôn
Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản có diện tích không quá lớn so với những cường quốc khác. Nếu so sánh với Mỹ, diện tích của Nhật Bản chỉ bằng chưa đến 4% so với nền kinh tế số 1 thế giới nhưng tổng dân số thì lại tương đương 40%.
Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hỏa táng tại Nhật đã vượt chôn cất thông thường từ thập niên 1930 nhưng tại Mỹ, điều đó mới chỉ xảy ra vào năm 2015.
Mặc dù không có quy định chính thức nào về việc bắt buộc phải hỏa táng nhưng người Nhật khá văn minh khi nhận ra rằng những nghĩa trang chôn cất thông thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nguồn đất, nước, không khí cũng như tiềm năng phát triển của địa phương. Bởi vậy dù không có văn bản pháp luật ràng buộc nhưng những người muốn chôn cất thông thường cũng khó tìm được địa điểm. Do đó ít nhất sau 24 tiếng từ thời điểm qua đời, các gia đình thường sẽ đưa người quá cố đi làm lễ hỏa táng. Tro cốt có thể được giữ tại gia, đem rải ra ngoài tự nhiên hoặc lưu giữ tại chùa và nghĩa trang.
Phần lớn các nghĩa trang chứa tro cốt ngày nay tại Nhật được quản lý bởi chính quyền địa phương. Nghi lễ hỏa táng cũng ngày càng được đơn giản hóa do chi phí quá tốn kém. Việc rất nhiều người già sống neo đơn trong nghèo khó ở Nhật cũng là một phần nguyên nhân khiến chính phủ Nhật thực hiện các nghi lễ hỏa táng đơn giản.
Năm 2012, Nhật hoàng khi đó là Akihito và hoàng hậu Michiko cũng muốn được hỏa táng đơn giản nhằm tiết kiệm chi phí cho ngân sách chính phủ. Năm 2016, khoảng 1/3 số vụ hỏa táng tại thủ đô Tokyo được thực hiện mà không có nghi lễ nào. Phương pháp hỏa táng đơn giản như vậy được gọi là “Chokuso”.
Điều trớ trêu là dù phổ biến hỏa táng từ lâu nhưng Nhật Bản cũng chẳng còn mấy chỗ chứa tro cốt cho người đã khuất. Dân số già quá nhanh khiến nhiều vụ hỏa táng phải đợi đến 4 ngày mới có thể thực hiện do hết chỗ chứa.
Số liệu của Bộ lao động, sức khỏe và an sinh xã hội Nhật (MHLW) cho thấy có khoảng 1,34 triệu người Nhật thiệt mạng trong năm 2017, con số cao nhất kể từ Thế chiến II ở quốc gia này và dự báo chúng có thể lên đến 1,6 triệu người vào năm 2030.
Trước thực trạng trên, Nhật Bản đã cho xây dựng những “khách sạn” chứa tro cốt nhằm tiết kiệm diện tích nghĩa trang cũng như tạo sự thoải mái cho những người đến viếng. Ví dụ như một “khách sạn” cho người chết ở Kawasaki-Nhật Bản với mức phí 9.000 Yên/đêm đã kín chỗ tới 75% và đang phải mở rộng thêm do nhu cầu ngày một lớn từ xã hội.
Nguồn: Cafebiz