Lời khuyên của các chuyên gia đó là chỉ nên ăn lẩu trong vòng 2 tiếng, mỗi tuần cũng chỉ nên ăn không quá 2 lần. Vì sao lại như vậy?

Lai rai trước một nồi lẩu ấm nóng dường như đã là sở thích của rất nhiều người. Một bữa lẩu thường có đồ ăn rất đa dạng với thịt, cá, rau, trứng... Hơn nữa, ăn lẩu thường có đông người... chính vì vậy thời gian để kết thúc bữa ăn rơi vào khoảng 3-4 tiếng. Tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia đó là chỉ nên ăn lẩu trong vòng 2 tiếng, mỗi tuần cũng chỉ nên ăn không quá 2 lần. Vì sao lại như vậy?

Tại sao không nên ngồi ăn lẩu quá 2 tiếng?

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) phân tích, lẩu là món ăn vô cùng hấp dẫn trong mùa đông, nhưng lẩu chỉ nên ăn trong vòng 2 giờ trở lại.

Một bữa ăn thông thường chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, thế nhưng thời gian ăn lẩu lại bị kéo ra quá dài, điều này sẽ khiến dạ dày bị quá tải. Khi chúng ta ngồi ăn lâu thì bên trong hệ tiêu hóa, các dịch vị, dịch mật, tụy... phải tiết ra liên tục để xử lý hết lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Từ đó có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Thời gian ăn quá dài cũng thúc đẩy bạn ăn nhiều hơn và dễ gây tăng cân mất kiểm soát. Đặc biệt, nước lẩu và các thực phẩm ăn kèm thường giàu chất béo và cholesterol. Điều đó có thể gây tăng axit uric máu và nguy cơ mắc bệnh gút.

Ngoài ra, thực phẩm bị đun sôi quá lâu trong thời gian vài tiếng sẽ bị biến chất, giá trị dinh dưỡng hao hụt, đặc biệt là rau và cá. Rau bị nấu trong thời gian dài sẽ mất hết vitamin và khoáng chất, chỉ còn mỗi chất xơ. Còn thịt, cá nếu đun quá lâu thì các protein sẽ bị chia cắt nhỏ.

Không những thế, nước lẩu càng đun lâu sẽ càng mặn vì nước cạn dần cũng như lượng gia vị tiết ra trong quá trình nhúng thực phẩm. Như vậy sẽ khiến bạn phải nạp thêm một lượng muối tương đối lớn vào cơ thể.

TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cũng đồng tình với việc không nên ngồi ăn lẩu quá 2 giờ. Ngoài rủi ro gây bệnh cho đường tiêu hóa, BS Hồng Sơn còn cảnh báo những rủi ro cho niêm mạc miệng và thực quản. Bởi tính chất của ăn lẩu là ăn nóng, nếu bạn ngồi ăn trong thời gian quá lâu, liên tục đưa các chất cay nóng từ nước lẩu, gia vị, rượu bia, thực phẩm nóng... vào cơ thể sẽ làm tổn thương niêm mạc miệng, thực quản, dạ dày…

Bác sĩ cho rằng, lẩu tốt nhất chỉ nên ăn trong vòng một tiếng. Cần lưu ý làm chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.

Tại sao không nên ăn lẩu quá 2 lần/tuần?

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu khuyến cáo các gia đình không nên ăn lẩu nhiều lần trong một tuần vì có thể ảnh hưởng hệ tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng.

Các loại lẩu như lẩu lòng, lẩu thập cẩm... thường chứa nhiều cholesterol và axit uric, ăn nhiều gây thừa năng lượng, tăng cân, tăng cholesterol máu.

Các loại lẩu chua cay, nhiều sa tế, ớt cay... nếu ăn liên tục sẽ gây phù nề lớp niêm mạc dạ dày và đường ruột. Từ đó, nhẹ thì gây khó tiêu, nặng thì loét dạ dày, tá tràng. Tốt nhất mọi người chỉ nên ăn lẩu không quá 1-2 lần/tuần.

1 Tai Sao Khong Nen An Lau Qua 2 Tieng Va Khong Qua 2 Lantuan Ly Do Se Khien Ban Giat Minh Vi Truoc Gio Toan Lam Sai

Ngoài ra trong quá trình ăn lẩu mọi người cần nhớ, bệnh nhân dạ dày không nên ăn các món chua cay vì sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. Người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên ít ăn hoặc không nên ăn lẩu nhiều đạm mỡ. Phụ nữ có thai cũng cần phải hạn chế ăn các loại lẩu có nhiều gia vị cay nóng vì không tốt cho thai nhi.

Khi ăn lẩu, các bà nội trợ nên ưu tiên việc tự chế biến nước dùng tại nhà, điều đó sẽ giúp chúng ta hạn chế nạp quá nhiều gia vị chế biến sẵn. Hãy nhớ rằng dù là bữa cơm, hay bữa lẩu cũng cần cân bằng giữa tinh bột, rau xanh và thịt, cá tươi... Không nên quá yêu thích các món thịt mà quên bổ sung đầy đủ rau xanh.

Theo Phụ nữ mới


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài