Chủ nghĩa Marx-Lenin (dù ở dạng thức chủ nghĩa tư bản kiểu Mao độc nhất vô nhị) vẫn đang thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc đang lên của thế giới, ngay cả khi chính ý thức hệ ấy đã hủy hoại Cuba và Venezuela.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên, một chế độ chuyên chế kiểu Leninist với vũ khí hạt nhân, lại đang khiến thế giới khiếp đảm.
Ngạc nhiên hơn nữa, chủ nghĩa cộng sản đang dần hồi sinh ở nước Anh dân chủ: Jeremy Corbyn, một người theo chủ nghĩa Lenin ngụy trang dưới bộ râu xám, là chính trị gia cực đoan nhất từng lãnh đạo một trong hai đảng chính của nước Anh, và ông đang dần tiến gần tới quyền lực.
Nhưng các chiến thuật của Lenin cũng đang hồi sinh.
Ông là thiên tài trong "trò chơi có tổng bằng không," thể hiện qua câu nói nổi tiếng của ông "кто кого?" – nghĩa đen là "Ai, bởi ai?" – câu hỏi rằng ai kiểm soát ai, và quan trọng hơn, ai giết ai.
Tổng thống Trump dường như là một phiên bản đại diện cho chủ nghĩa Bolshevik mới của phe cánh hữu, nơi mục đích sẽ biện minh cho phương tiện, và các chiến thuật được chấp nhận bao gồm cả dối trá và bôi nhọ, cộng với việc khai thác nhóm người mà Lenin gọi là bọn ngốc hữu ích (useful idiots). Không phải ngẫu nhiên mà chiến lược gia thân cận của Tổng thống Trump, Steve Bannon, đã từng khoe khoang "Tôi là một người theo chủ nghĩa Lenin."
Một trăm năm sau, khi chuỗi sự kiện của nó tiếp tục gây tiếng vang và truyền cảm hứng, Cách mạng Tháng Mười năm 1917 vẫn tiếp tục hiện diện cùng những sử thi, huyền thoại, và bí ẩn mê hoặc. Tác động của nó lớn đến mức mọi chuyện dường như không thể xảy ra theo cách nào khác ngoài cách chúng đã xảy ra.
Thật ra, suýt chút nữa thì chúng đã không xảy ra như vậy.
Chẳng có gì là không thể tránh khỏi khi nói về Cách mạng Bolshevik. Đến thời điểm năm 1917, triều đại Romanov đã vào lúc suy tàn nhanh chóng, nhưng có lẽ các sa hoàng đã có thể tự cứu lấy mình nếu họ không liên tục bỏ lỡ những cơ hội cải cách. Các chế độ quân chủ tuyệt đối khác của châu Âu – Đế quốc Ottoman, Triều đại Habsburgs – cũng thất bại bởi họ đã bị đánh bại trong Thế chiến I. Liệu nhà Romanov có sụp đổ hay không, nếu họ sống sót thêm chỉ một năm nữa để chia sẻ chiến thắng tháng 11/1918?
Đến năm 1913, đơn vị cảnh sát mật của sa hoàng đã chia tách và đánh bại phe đối lập. Ngay trước khi sa hoàng sụp đổ, Lenin từng nói với vợ mình rằng cách mạng "sẽ không xảy ra trong cuộc đời của chúng ta." Cuối cùng, chính một cuộc nổi dậy tự phát, không hề có tổ chức và một cuộc khủng hoảng lòng trung thành trong quân đội đã buộc Nicholas phải thoái vị. Khi thời cơ ấy đến, Lenin đang ở Zurich, Trotsky ở New York và Stalin ở Siberia.
Lenin ban đầu nghĩ rằng đó là một "trò lừa gạt." Thật may mắn khi người Đức đã giúp ông trở về trong toa tàu niêm phong kín để đưa nước Nga ra khỏi cuộc chiến. Quay trở lại Petrograd, Lenin, được hỗ trợ bởi Trotsky và Stalin, đã áp đảo các 'đồng chí' Bolshevik khác, những người đề xuất hợp tác với chính phủ lâm thời, và buộc họ phải đồng ý với kế hoạch đảo chính của mình. Chính phủ đáng ra nên tìm và giết ông ta. Nhưng họ đã thất bại. Còn ông thì thành công.
Ngay cả việc đánh chiếm Cung điện Mùa đông – được nhắc lại trong một bản tuyên truyền 1920 như là chiến thắng của nhân dân – thật ra cũng chẳng phải là một sự kiện bão táp cách mạng. Lenin đã rất tức giận vì phải mất nhiều ngày mới chiếm được các tòa nhà quan trọng của chính phủ, trong khi để chiếm cung điện thì chỉ cần leo qua những cửa sổ không khóa và cũng chẳng được bảo vệ gì nhiều, ngoài những tên lính quèn nhỏ tuổi – và sau đó là Lễ hội Thần Rượu Bacchus (Bacchanalia) khi những người Bolshevik say xỉn uống cạn hết những chai Château d'Yquem 1847 của sa hoàng.
Cách mạng Tháng Mười có thể chỉ mang lại một chính phủ lâm thời ngắn ngủi, giống như nhiều cuộc cách mạng thất bại khác trong thời đại ấy. Bất kỳ cuộc tấn công có phối hợp nào của phe Bạch Vệ, bên còn lại trong nội chiến Nga, hay bất kỳ sự can thiệp nào của các lực lượng phương Tây cũng đều có thể đã quét sạch những người Bolshevik. Tất cả đều phụ thuộc vào Lenin. Ông đã gần như bị lật đổ trong một cuộc đảo chính khi các nhóm đối lập liên minh với nhau, nhưng Lenin đã tự tạo ra may mắn cho mình khi biết kết hợp niềm tin ý thức hệ, chủ nghĩa thực dụng tàn nhẫn, sự đổ máu không kiểm soát và ý chí mong muốn thiết lập một chế độ độc tài. Và đôi khi, ông chỉ đơn giản là gặp may: Ngày 30/08/1918, Lenin bị bắn khi đang phát biểu trước đám đông công nhân tại một nhà máy ở Moskva. Ông đã thoát chết trong gang tấc.
Nếu bất kỳ sự kiện nào trong số đó hạ gục được Lenin, thời đại của chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt. Nếu không có Lenin thì sẽ không có Hitler. Trong hành trình vươn đến quyền lực, Hitler nhận phần lớn hỗ trợ từ tầng lớp tinh hoa bảo thủ, những người sợ rằng Cách mạng Bolshevik sẽ xảy ra trên đất Đức và tin rằng Hitler có thể đánh bại chủ nghĩa Marx. Và phần còn lại trong nghị trình cực đoan của ông ta cũng đã được biện minh bởi mối đe dọa từ Cách mạng Leninist. Chủ nghĩa bài Do Thái, kế hoạch giết hại người Slav theo Thuyết Không gian Sinh tồn (Lebensraum) và trên tất cả là cuộc xâm lược Liên Xô năm 1941, đã được cả tầng lớp tinh hoa lẫn thường dân Đức ủng hộ vì nỗi sợ trước những gì Đức Quốc Xã gọi là chủ nghĩa "Do Thái -Bolshevik" (Judeo-Bolshevism).
Nếu không có Cách mạng Nga năm 1917, Hitler có lẽ sẽ chỉ là một gã họa sĩ vẽ bưu thiếp sống ở một trong những căn hộ rẻ mạt nơi ông ta đã bắt đầu mọi chuyện. Không Lenin, không Hitler – và thế kỷ 20 sẽ trở thành không thể tưởng tượng nổi. Thật vậy, khía cạnh địa lý trong trí tưởng tượng của chúng ta sẽ trở nên không thể tưởng tượng nổi.
Phương Đông lẫn phương Tây cũng sẽ đã rất khác. Mao, người đã nhận được một lượng lớn viện trợ của Liên Xô vào những năm 1940, sẽ chẳng thể chinh phục được Trung Quốc, nơi vẫn có thể nằm dưới quyền cai trị của gia đình Tưởng Giới Thạch. Nguồn cảm hứng soi đường cho những ngọn núi của Cuba và những khu rừng của Việt Nam sẽ không bao giờ xuất hiện. Kim Jong-un, phiên bản bắt chước của Stalin, sẽ không tồn tại. Sẽ không có Chiến tranh Lạnh. Sự xoay vòng giành quyền lực có thể sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn – nhưng luẩn quẩn theo một cách khác.
Cách mạng Nga đã huy động một làn sóng ủng hộ trên toàn thế giới nhờ có chủ nghĩa Marx – Lenin, được thúc đẩy bởi niềm tin vào một Đấng Cứu thế. Có lẽ, sau ba tôn giáo xuất phát từ Abraham, thì đây là lần chuyển giao[1] lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Chủ nghĩa lý tưởng đạo đức đó đã biện minh cho bất kỳ sự quái dị nào. Những người Bolshevik ngưỡng mộ cuộc thanh trừng trong "Triều đại Khủng bố" của Robespierre: "Một cuộc cách mạng mà không có tiếng súng là cuộc cách mạng vô nghĩa," Lenin nói. Lực lượng Bolshevik đã tạo ra những nhà cách mạng chuyên nghiệp đầu tiên, nhà nước cảnh sát toàn quyền đầu tiên, huy động dân chúng dưới danh nghĩa đấu tranh giai cấp chống lại bọn phản cách mạng lần đầu tiên. Chủ nghĩa Bolshevik là một tư duy, một nền văn hóa rất riêng với một thế giới quan hoang tưởng và không khoan dung, bị ám ảnh bởi hệ tư tưởng Marxist trừu tượng. Lòng tin của họ biện minh cho việc thảm sát hàng loạt kẻ thù, cả thực tế lẫn tiềm tàng, không chỉ bởi Lenin hay Stalin mà còn bởi Mao, Pol Pot ở Campuchia, Mengistu Haile Mariam ở Ethiopia. Nó cũng đã sinh ra các trại lao động nô lệ, các thảm họa kinh tế và các thiệt hại tâm lý chưa từng được nhắc đến. (Những sự kiện này đã xảy ra cách đây rất lâu, nên nỗi kinh hoàng đã phai mờ và lịch sử bị lãng quên; chỉ còn thứ ánh sáng rực rỡ của quyền lực và chủ nghĩa lý tưởng soi rọi trên những cử tri trẻ thất vọng với thói do dự của chủ nghĩa tư bản tự do.)
Và sau đó là Nga, người kế thừa của Liên Xô. Quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin được thực thi bởi các cộng sự cũ của ông ở K.G.B., những người thừa kế của Lenin và cảnh sát mật của Stalin. Putin và chế độ của ông ta đã áp dụng chiến thuật "конспирация" (thuyết âm mưu) và "дезинформация" (tuyên truyền thông tin sai lệch) của Lenin – điều này hóa ra lại rất lý tưởng và phù hợp với công nghệ ngày nay. Người Mỹ có thể đã phát minh ra internet, nhưng họ lại xem nó (một cách suy đồi) như một phương tiện kiếm tiền, hoặc (một cách ngây thơ) như một cú nhấp chuột ma thuật để đến được tự do. Người Nga, lớn lên cùng chủ nghĩa hoài nghi của Lenin, đã khai thác nó để làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.
Putin khóc thương cho sự tan rã của Liên Xô, coi đó chính là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" của thế kỷ 20, nhưng cũng chính ông lại xem Lenin là tác nhân gây nên sự hỗn loạn giữa hai thời kỳ đỉnh cao vĩ đại của quốc gia – triều Romanov trước Nicholas II (Peter Đại đế và Alexander III là những người được yêu thích nhất) và ánh hào quang siêu cường của Liên Xô dưới thời Stalin.
Putin tự định hình mình như một sa hoàng – và giống như bất kỳ sa hoàng nào, thứ ông ta sợ hãi nhất chính là cách mạng. Đó là lý do tại sao chiến thắng của họ trước người Đức vào năm 1945, chứ không phải là Cách mạng Bolshevik năm 1917, mới là nền tảng sáng lập nước Nga của Putin. Do đó, trớ trêu thay khi phương Tây cứ liên tục thảo luận về cuộc cách mạng, còn phần lớn người Nga lại vờ rằng nó chưa từng xảy ra. Lăng mộ bằng đá cẩm thạch của Lenin ở Quảng trường Đỏ ắt phải vang vọng những tiếng cười của ông, bởi đó chính là kiểu toan tính chính trị mà ông vẫn luôn ưa dùng.
Simon Sebag Montefiore là tác giả của "The Romanovs," "Stalin: the Court of the Red Tsar" và tiểu thuyết sắp ra mắt "Red Sky at Noon".
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng. Nguồn: nghiencuuquocte.org