Tình trạng axit hóa đại dương đang trở nên tồi tệ hơn - Ảnh: Getty Images
Theo các nhà khoa học biên soạn báo cáo mới nhất về tình trạng của hệ thống hỗ trợ sự sống trên thế giới, Trái đất đã chạm tới ranh giới thứ 7 trong tổng cộng 9 ranh giới hành tinh - giới hạn chịu đựng của các hệ thống toàn cầu quan trọng để Trái đất là nơi hoạt động an toàn cho nhân loại.
Cụ thể, nhóm biên soạn cảnh báo ranh giới về axit hóa đại dương đang gần đến ngưỡng tới hạn (hoặc có lẽ đã vượt qua ngưỡng này). Trong đó sự axit hóa đại dương tiệm cận ngưỡng quan trọng, ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là tại các khu vực vĩ độ cao hơn và nhất là ở Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương (Southern Ocean).
Theo báo Guardian, có 9 hệ thống và quá trình (gọi chung là ranh giới hành tinh) góp phần vào sự ổn định của các chức năng hỗ trợ sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Postdam (PIK) ở Đức cho thấy 7 ranh giới (bao gồm biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương, tính toàn vẹn của sinh quyển, sự thay đổi của các dòng chảy sinh địa hóa, sự thay đổi của hệ thống đất đai, nước ngọt và hóa chất tổng hợp) đều tệ hơn.
Chỉ có ranh giới về sự suy giảm ozone tầng bình lưu vẫn ổn định và ranh giới về lượng khí dung trong không khí được cải thiện nhẹ.
Nhóm nghiên cứu cho biết có hai lý do khiến axit hóa đại dương trở nên đáng lo ngại, bao gồm mức axit hóa đang sắp vượt ngưỡng an toàn và tình hình thực tế về sự ảnh hưởng của quá trình axit hóa đối với đa dạng sinh vật biển.
Axit hóa đại dương là hiện tượng nước biển tăng độ axit (giảm độ pH) do sự hấp thu CO2 trong khí quyển. Quá trình này không chỉ gây hại cho sinh vật biển, có tiềm năng phá vỡ chuỗi thức ăn mà còn làm giảm hiệu quả hoạt động của đại dương như một bồn chứa carbon quan trọng.
"Điều này minh họa cho mối liên hệ giữa quá trình axit hóa đại dương và sự toàn vẹn của sinh quyển. Một trong những thông điệp chính trong báo cáo của chúng tôi là tất cả 9 ranh giới hành tinh đều liên hệ mật thiết với nhau", bà Levke Caesar, đồng tác giả của báo cáo, cho biết.
Điều này có nghĩa là bất kỳ sự tác động nào của con người đối với môi trường toàn cầu mà chúng ta quan sát được hiện nay không thể được giải quyết như những vấn đề riêng biệt. Việc vượt qua mỗi một ranh giới trong 9 ranh giới này có nguy cơ phá vỡ sự ổn định, khả năng phục hồi và khả năng sinh sống của hành tinh.
Nhóm biên soạn cho biết báo cáo về "sức khỏe hành tinh" năm nay không xuất hiện trên tạp chí học thuật như những năm trước mà được viết và định dạng để mọi người dễ tiếp cận.
ANH THƯ
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online