Hợp là sự kết hợp lại, cùng nhau, Cốc là khe, khoảng không giữa 2 dòng suối. Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ nên người xưa gọi là huyệt Hợp cốc. Khi mở rộng 2 ngón tay cái và ngón trỏ ra, bàn tay xòe rộng như miệng hổ, nên còn được gọi là Hổ khẩu.
Theo Đông y, nó có thể có tác dụng điều trị tới hơn 90 loại bệnh nặng nhẹ khác nhau. Đây vì thế được mệnh danh là ‘huyệt vạn năng’ của cơ thể. Trung Quốc đã từng có bác sỹ chỉ chuyên dùng huyệt này để điều trị bệnh, chữa hiệu quả và thành công nên được tôn vinh là “Bác sỹ huyệt Hợp cốc”. Vậy công dụng nổi bật nhất của huyệt này là gì?
Hợp cốc là huyệt thứ tư của Kinh thủ dương minh Đại trường, một trong lục huyệt trị bệnh ở vùng mắt, đầu, miệng. Kinh Đại trường và Kinh thủ thái âm Phế tương hỗ trong ngoài. (Ảnh: healthy-easy.com)
1. Giảm đau
Hợp cốc là huyệt thứ tư của Kinh thủ dương minh Đại trường, một trong lục huyệt trị bệnh ở vùng mắt, đầu, miệng. Kinh Đại trường và Kinh thủ thái âm Phế tương hỗ trong ngoài. Phía trên huyệt Hợp cốc nối với Kinh thủ thái âm Phế và cạnh mũi, phía dưới nối với Kinh túc dương minh Vị và ngón trỏ. Điều này cũng có nghĩa là bất cứ bộ phận nào đi qua Kinh Đại trường, từ ngón trỏ đi qua cánh tay và bả vai cho tới tất cả khuôn mặt đều có thể chịu sự tác động ảnh hưởng của huyệt đạo này. Khi những bộ phận này bị đau đều có thể thông qua ấn huyệt để xoa dịu. Đau răng, đau đầu, đau vai, đau bụng kinh… đều có thể bấm vào nó để làm dịu nhẹ.
2. Làm đẹp, dưỡng nhan, hỗ trợ trị liệu các bệnh ở đầu
Kinh Đại trường có tác dụng điều chỉnh quan trọng tới ngũ quan trên khuôn mặt chúng ta. Theo Đông y, đây là huyệt vị cần nhớ tới đầu tiên khi bị đau ở vùng đầu và mặt. Nghĩa là, khi xuất hiện các triệu chứng bệnh ở vùng đầu, mặt như đau đầu, liệt mặt, sốt, khô miệng, đau họng đều có thể bấm vào huyệt vị này để hỗ trợ làm dịu.
Khi áp dụng kiến thức Y học cổ truyền vào quá trình làm đẹp, các chuyên gia đều biết tới tác dụng của huyệt Hợp cốc. Kiên trì ấn huyệt vị này, người bị mụn trứng cá, nám da, dị ứng, da nhạy cảm và các bệnh bên ngoài da đều có tác dụng hỗ trợ trị liệu hiệu quả.
3. Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị cao huyết áp
Những người huyết áp không ổn định hay bị say xe, có thể bấm huyệt vị này để ổn định tình hình. Nó vừa có tác dụng phòng bệnh, vừa có thể chữa bệnh, nên có thể bấm vào nó hằng ngày.
Hợp cốc là huyệt vị cần nhớ tới đầu tiên khi bị các bệnh ở đầu và mặt (Ảnh: read01.com)
4. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về dạ dày, đại tràng
Hợp cốc có tác dụng trị liệu hiệu quả các chứng bệnh liên quan tới dạ dày, đại tràng. Do huyệt vị nằm trên Kinh thủ dương minh Đại trường, có liên quan đến Kinh túc dương minh Vị, nên sẽ kết nối từ đại tràng xuống chân, kích thích huyệt này sẽ mang lại tác dụng thông khí cho dạ dày và lá lách, hỗ trợ điều chỉnh các vấn đề trong dạ dày, đại tràng.
Theo Đông y, thường xuyên ấn vào huyệt vị này có thể hỗ trợ giúp ổn định chức năng Tỳ Vị, cải thiện chức năng tiêu hóa. Đây được xem là “bạn đồng hành” của người mắc bệnh đau dạ dày, buồn nôn, nôn ói, táo bón, đi tả, trướng bụng…
5. Được mệnh danh là ‘viên thuốc cảm” tự nhiên
Theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, khi xuất hiện các triệu chứng cảm nhẹ, có thể ấn huyệt Hợp cốc ở tay trái và phải 100 lần, lực ấn hơi mạnh lúc cảm thấy hơi đau tê một chút sẽ đạt được hiệu quả trị liệu không ngờ. Kinh Túc dương minh Đại tràng trên bàn tay là kết nối với Kinh thủ thái âm Phế, nếu thường xuyên bấm vào huyệt này có thể thúc đẩy chức năng hoạt động của hệ miễn dịch, nâng cao khả năng phòng ngừa và chống lại các loại bệnh khi thời tiết giao mùa.
Hợp cốc là huyệt vị quan trọng trong hệ thống kinh lạc của cơ thể (Ảnh: drugsofcanada.com)
Bấm huyệt Hợp cốc có thể khơi thông tuyến mồ hôi, tăng cường khả năng bài tiết mồ hôi, có ích lợi trong việc phòng tránh và điều trị các bệnh liên quan đến phong hàn, phong nhiệt, thể chất hư nhược, cảm mạo.
6. Là huyệt vị cấp cứu quan trọng
Vào mùa hè thời tiết oi bức, có rất nhiều người thể chất yếu dễ bị cảm nắng, mệt lả… Khi gặp tình trạng này, có thể dùng tay ấn vào huyệt Hợp cốc, liên tiếp trong vòng 2 – 3 phút, có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng trên.
Cách xác định vị trí: Giơ bàn tay lên, sờ vào vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, phần lõm sâu sát với xương nối chính là huyệt Hợp cốc.
Lợi thế của huyệt Hợp cốc là vị trí thuận tiện, dễ xác định. Có thể dùng ngón tay cái của tay này bấm huyệt cho tay kia vào bất kỳ thời gian nào trong ngày mà không cần phải chuẩn bị. Khi xác định đúng được vị trí huyệt, khi ngồi tàu xe, máy bay, lúc nghỉ ngơi xem tivi, thậm chí, trong khi làm việc bạn cũng có thể dừng tay bấm khoảng 1 – 3 phút. Vừa bấm vừa và ấn nhẹ sẽ càng tăng hiệu quả.
Lưu ý: Đây là huyệt vị tác động mạnh lên toàn cơ thể, những người thể trạng yếu hoặc người bị bệnh đang trong thời gian mệt mỏi thì không nên bấm vì tính kích thích của huyệt khá cao. Phụ nữ có thai cũng không nên bấm huyệt này.
Nguồn: Dkn.tv