Loại thuốc trị nấm móng mang tên Itraconazole (Sporanox) phát huy tác dụng khi được phối hợp với liệu pháp hóa trị truyền thống trong điều trị ung thư ruột.
Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Simon Buczacki, Viện Nghiên cứu Ung thư Anh – Cambridge trao đổi với Daily Mail cho biết: “Một trong những thách thức của điều trị ung thư là sự đa dạng của các tế bào trong khối u. Chúng tôi nhắm vào một loại tế bào “ngủ” trong khối u ruột, vốn không đáp ứng hóa trị và khiến bệnh nhân bị tái phát ung thư”.
Tế bào “ngủ” là tế bào mang bệnh nhưng tạm thời chưa gây ra tác hại và nằm “ngủ đông” trong cơ thể bệnh nhân. Chính nó là tác nhân khiến bệnh nhân tái phát bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đã thí nghiệm trên chuột và nhận thấy, khi kết hợp với hóa trị, thuốc nấm móng sẽ đi tìm các tế bào “ngủ” này, bắt chúng đi vào chu kỳ hoạt động để rồi lộ diện và bị tiêu diệt.
Hơn nữa, thuốc nấm móng Itraconazole còn chặn được con đường WNT – chịu trách nhiệm cho sự phát triển và di căn của nhiều loại ung thư khác nhau. Bản thân việc chặn tín hiệu con đường WNT khiến các khối u bị cô lập và ngừng phát triển.
Ở Anh, ung thư ruột là loại ung thư phổ biến thứ tư, sau ung thu vú, tuyến tiền liệt và phổi. Có đến 41.000 trường hợp được chẩn đoán mỗi năm tại đất nước này.
Sau thành công của thử nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu sẽ bước vào thử nghiệm lâm sàng trực tiếp trên các bệnh nhân tình nguyện. Nếu tiếp tục thành công, thuốc trị nấm móng Itraconazole sẽ được cung cấp song song với hóa trị trong điều trị ung thư ruột.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, thuốc nấm móng này có một số chống chỉ định với người có tiền sử bệnh tim, đột quỵ, thận, gan, xơ nang và một số rối loạn hô hấp.
Phương Nam