Mưa kéo dài tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm như thủy đậu, sởi, tiêu chảy cấp…

425 1 Troi Mua Dai Ngay Can Than 7 Benh Nguy Hiem

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vào những ngày tới, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn tiếp tục có mưa rào và dông. Trời mưa kéo dài khiến cho độ ẩm không khí tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc tích tụ, dễ bùng phát dịch bệnh.

Dưới đây là các bệnh dễ bùng phát do mưa kéo dài:

Bệnh về da

425 2 Troi Mua Dai Ngay Can Than 7 Benh Nguy Hiem

Độ ẩm không khí cao là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các bệnh về da như dị ứng da, ngứa da, nổi mẩn đỏ, viêm da, nhiễm trùng…

Tiêu chảy cấp

Tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường là các loại vi khuẩn, virus đường ruột, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước, thậm chí tử vong.

Bệnh tiêu chảy dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp…

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra.

Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Bệnh về đường hô hấp

Vi khuẩn, nấm, vi sinh vật sẽ phát tán mạnh hơn khi độ ẩm không khí tăng, nguy cơ gặp các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao.

Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra như viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp…

Bệnh sởi

Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi bùng phát. Bệnh thường ây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, người bệnh sởi có thể bị viêm màng não, viêm phế quản, dẫn tới tử vong.

425 3 Troi Mua Dai Ngay Can Than 7 Benh Nguy Hiem

Thủy đậu

Thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.

Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo. Ngoài ra, còn có các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hay viêm màng não.

Sốt virus

Sốt virus có thể lây lan, tạo thành dịch nguy hiểm. Trẻ em có hệ miễn dịch yếu nên khi thay đổi thời tiết, dễ mắc các bệnh dịch trong đó có sốt virus. Bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên mọi người không nên chủ quan trong việc điều trị.

Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, đặc biệt với trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim. Thậm chí, sốt virus có thể gây biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê…

Vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý. Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên đến cơ sở y tế khám và điều trị khi thấy sốt trong thời gian dài.

Để phòng chống bệnh, các chuyên gia khuyến cáo:

– Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.

– Làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.

– Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân.

– Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục.

– Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, nên liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Lan Phương


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài