"Anh ấy áp đặt mọi điều với tôi, có khi hai vợ chồng cãi nhau thì anh ấy liền “thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Anh là người đàn ông gia trưởng.."

 

Xin chào chuyên gia, tôi tên là Nguyễn Hồng Khanh (33 tuổi), đã lấy chồng được 10 năm và có một cô con gái 9 tuổi.

Tôi ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình, đưa đón con đi học hàng ngày. Còn chồng tôi làm nghề chăn nuôi thủy sản. Suốt 10 năm chung sống chưa ngày nào tôi cảm thấy mình được sống thoải mái vì chồng tôi rất gia trưởng. Anh ấy áp đặt mọi điều với tôi, có khi hai vợ chồng cái nhau thì anh ấy liền “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với tôi.

Thậm chí, chỉ vì tôi mua gà quay ở siêu thị về cho gia đình ăn mà anh ấy chửi mắng, đánh đòn tôi.

Mỗi lần chửi anh ấy lại lôi chuyện tôi ở nhà “ăn bám” ra nói. Chồng tôi thường chửi rằng “mày có tài thì ra ngoài mà kiếm tiền...”. Những lúc như vậy tôi buồn lắm, chỉ vì chuyện tôi mua đồ ăn ở ngoài về mà anh ấy chửi. Suốt 5 năm qua tôi chịu đựng người chồng “bẩn tính” như vậy. Xin chuyên gia cho tôi một lời khuyên.

Hồng Khanh (Bắc Giang)

425 1 Co Nen Vi Con Ma Co Gang Song Voi Nguoi Chong Ban Tinh

Gia đình không hạnh phúc có thể ảnh hưởng đến tâm lý con cái

Cuộc sống vợ chồng không như ý đang khiến chị cảm thấy khó khăn, băn khoăn việc có nên duy trì cuộc hôn nhân này không? Vậy để chị có lựa chọn sáng suốt nhất, chúng ta sẽ cùng nhau bóc tác một số vấn đề nhé!

Theo chia sẻ trên, công việc của chồng chị là nuôi trồng thủy sản còn chị ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái và chị vẫn duy trì cách sống đó suốt 10 năm qua?

Điều đáng nói, chồng chị là người gia trưởng, thích áp đặt cuộc sống của vợ, thậm chí còn chửi đánh chị. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ đây là bản chất của anh ấy như vậy hay anh ấy mới thay đổi trong quá trình vợ chồng chung sống với nhau?

Việc chị ở nhà nội trợ, chăm con, không làm ra tiền có phải là nguyên nhân lớn tác động đến việc anh ấy nhìn nhận, ứng xử với chị, thiếu tôn trọng chị?

Với những điều này, chị có thể nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của mình để có câu trả lời thỏa đáng cho bản thân. Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, vì thế việc chị ở nhà nội trợ, chồng chị đi làm kiếm tiền nuôi vợ con là hết sức bình thường.

Ở thời điểm đó, đàn ông là trụ cột gia đình, là người kiếm tiền còn phụ nữ là người chăm sóc, vun vén hạnh phúc gia đình.

Nhưng trong xã hội này vẫn có nhiều người ưa chuộng sự bình đẳng. Họ cho rằng, vợ chồng nên đi làm,kiếm tiền như nhau. Và vợ chồng đều phải có trách nhiệm lo lắng cho gia đình, con cái. Nếu không được như vậy thì sẽ thiếu sự công bằng, bình đẳng trong cuộc sống vợ chồng.

Dẫu vẫn biết rằng, chăm con, chăm chồng, vun vén cho mái ấm là điều vô cùng vất vả nhưng những người đàn ông kiếm ra tiền nuôi cả gia đình đôi khi vẫn cho mình cái quyền “ngồi trên” người khác, quyền chỉ huy...

Vì thế chị nên cân nhắc xem đây có phải nguyên nhân khiến anh ta thiếu tôn trọng chị và vai trò của chị trong gia đình không?

Nếu quả đúng nguyên nhân do em không đi làm, không kiếm ra tiền, không tự chủ được kinh tế nên bị “coi thường”, bị chửi măng, bị áp đặt thì chị nên cân nhắc đến việc tự đứng lên đi làm, tạo ra kinh tế riêng cho mình. Bởi đi làm sẽ giúp cho chị năng động hơn, tự tin hơn và cũng giúp cho chị cảm thấy mình không phải phụ thuộc vào chồng, chị có thể lo cho bản thân và con cái. Có thể từ đó, anh ấy sẽ tôn trọng chị hơn và chị không phải chịu áp lực, không bị đánh mắng nữa.

Còn trong trường hợp bản chất anh ta là kẻ gia trưởng, vũ phu thì chị tự hỏi xem mình còn chịu đựng được không, có thể vượt qua được những trận đòn roi đó không. Nếu mọi việc vượt quá sức chịu đựng chị có quyền dừng lại. Quyết định của chị sẽ không bị ai nói ra nói vào và quan trọng là chị cảm thấy thoải mái.

Từ những chia sẻ trên hy vọng chị đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

 

Chuyên gia tâm lý Vi An 

Nguồn: Báo SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài