Thời gian gần đây, bài hát mới của Đen Vâu “Mang tiền về cho mẹ” đã tạo được ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng.

1 Du Hoc Sinh Viet Mang Tien Ve Cho Me La Mong Uoc Cua Em

Lên đường đi du học từ năm 15 tuổi, Phạm Thị Thuý Phượng (du học sinh Việt tại Mỹ) đã có gần 4 năm sống xa gia đình. Phượng chia sẻ rằng em đã rất xúc động khi nghe “Mang tiền về cho mẹ”.

2 Du Hoc Sinh Viet Mang Tien Ve Cho Me La Mong Uoc Cua Em

Phạm Thị Thuý Phượng

"Em nhìn thấy bản thân mình trong câu “rời xa mái nhà đừng hòng còn ai nuông chiều”. Tuy em là mẫu người độc lập từ bé nên mới quyết tâm đi du học, nhưng bên cạnh đó còn là vì gia đình. Xa nhà đã lâu, đôi khi cuộc sống nơi xứ người khắc nghiệt quá, em rất muốn được về nhà, về với vòng tay bố mẹ. Nhưng “nói ra chỉ khiến ba mẹ lo hơn, em phải tự giải quyết trước đã”, Phượng nói.

Theo Phượng, mang tiền về cho mẹ thôi chưa đủ, cái bố mẹ cần hơn cả là tình thương và là sự quan tâm của con cái. Phượng nhớ lại lần đầu em mua tặng mẹ chiếc áo mới bằng tiền em kiếm được, mẹ em đã đem đi khoe khắp xóm và luôn miệng nói tự hào về em. “Mẹ em cảm thấy hạnh phúc vì được quan tâm như vậy”, Phượng nói tuy chiếc áo không bao nhiêu tiền nhưng đó là động lực giúp em học và làm nhiều hơn để được thấy mẹ cười như vậy lần nữa. Phượng chia sẻ, bố mẹ em cũng từng “không dám ăn, không dám mặc, không dám tiêu cũng chỉ vì lo cho con”. Em nhớ bố mẹ, bố mẹ cũng rất xót con gái xa nhà, nhưng nghĩ đến tương lai của gia đình, đến công sức bố mẹ bỏ ra để đưa em sang đây, Phượng cảm thấy em phải hoàn thành trách nhiệm với gia đình.

“Em muốn gửi tiền về cho bố mẹ và gửi em về cho bố mẹ nữa”, Phượng nói. Vũ Hoàng Minh Anh (thường trú nhân tại Mỹ) sớm nhận thức được giá trị của đồng tiền khi theo gia đình sang Mỹ định cư từ những năm cấp ba.

3 Du Hoc Sinh Viet Mang Tien Ve Cho Me La Mong Uoc Cua Em

Vũ Hoàng Minh Anh

“Em vừa học vừa làm tại một nhà hàng với mức lương tối thiểu của nước Mỹ, lúc đó em mới thấm thía những khó khăn ba mẹ phải trải qua khi bắt đầu một cuộc sống mới. Khi trước em hay hỏi mẹ tại sao mẹ cứ ăn đồ hâm đi hâm lại, tại sao mẹ không mua một bộ đồ mới, mẹ đều trả lời vì mẹ thấy không cần thiết, nhưng giờ em hiểu vì mẹ đang tiết kiệm từng đồng để trang trải cho gia đình” - Minh Anh nói.

Nhận được tháng lương đầu tiên, Minh Anh đã mời cả gia đình đi ăn tối. Nam sinh nói được mẹ lo cho từng bữa ăn từ nhỏ đến lớn nên khi được lo lại cho mẹ, em thấy rất vui. 

Khi hầu hết mọi người chỉ tập trung vào vế “mang tiền về cho mẹ”, Minh Anh lại chú ý nhiều hơn vào vế sau “đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Tự nhận bản thân là một người chưa đủ chín chắn, Minh Anh không ít lần khiến mẹ buồn phiền. Để bù đắp lại, tranh thủ thời gian học online, Minh Anh cố gắng làm việc nhà, trông em để bố mẹ yên tâm đi làm. Minh Anh chia sẻ: “Bây giờ khi chưa thể mang nhiều tiền về cho mẹ, em cố gắng mang hạnh phúc về cho mẹ bằng thành tích của em. Đối với gia đình em, hạnh phúc đồng nghĩa với sự an tâm về con cái”.

"Sẽ mang 7 phần tiền về cho mẹ"

Tuy không thích nhạc rap, Lê Nguyễn Thiên An (du học sinh tại Mỹ) đã nghe đi nghe lại “Mang tiền về cho mẹ” không biết bao nhiêu lần, đơn giản vì “nói đúng quá”.

4 Du Hoc Sinh Viet Mang Tien Ve Cho Me La Mong Uoc Cua Em

Lê Nguyễn Thiên An

“Mình cảm thấy bồn chồn mỗi khi nghe bài hát này, vì đây cũng là nỗi niềm canh cánh của mình từ những ngày đầu du học”. Giống Đen Vâu, An cũng cảm thấy mình may mắn vì “ba mẹ nghèo để cho con biết tiền làm ra khó”.

Hiện giờ, An vẫn miệt mài phấn đấu vì mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế để phụ giúp gia đình. An thấy mình làm tương đối ổn vế “đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Suốt những năm đi học, An luôn là học sinh có thành tích cao và đạt được khá nhiều học bổng.

“Tiền học bổng mà mình có đã đỡ đần phần lớn chi phí học tập và sinh hoạt tại quốc gia đắt đỏ này. Điều đó cũng giúp cho gia đình mình đỡ áp lực hơn”, An chia sẻ. Mẹ An luôn nhắc nhở An rằng đồng tiền gửi về cho mẹ phải là đồng tiền làm ra trong hạnh phúc của con.

An nói:

“Mẹ mình bảo tiền thì ai cũng cần, nhưng cái mẹ cần hơn là thấy con thành công và sống vui vẻ. Vậy nên đừng gửi về cho mẹ tiền “lệ”.” An nghĩ rằng nếu sau này tiết kiệm được một khoản kha khá, An sẽ đem bảy phần về cho mẹ và ba phần đi đầu tư. Nữ sinh cho hay không coi tiền đem về cho mẹ là “tiền chết” vì mẹ An biết cách chi tiêu hợp lý hơn An.

“Vì sau này tiền lời khi đầu tư mình cũng mang về cho mẹ, nên mình coi bảy phần kia là khoản dự phòng nhờ mẹ giữ giúp”, An nói.

Nguồn: Hương Giang/ Vietnamnet.vn


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài