Trong lịch sử dân tộc, có không ít những áng văn chương bất hủ về lòng yêu nước.
Tiêu biểu, “Hịch tướng sĩ” đã cho thấy tấm lòng yêu nước sâu nặng, mãnh liệt; đau đáu trước vận mệnh, sự tồn vong của dân tộc qua những câu văn của Trần Quốc Tuấn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xẻ thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa bọc thây, ta cũng cam lòng.”
Đất nước ta, dân tộc ta thật không may khi tạo hoá đã sắp đặt vị trí, cương vực lãnh thổ mà trở thành trọng điểm dòm ngó từ các nước lớn. Chúng ta không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra mà chỉ có quyền lựa chọn cách tồn tại. Vì thế chúng ta phải kinh qua nhiều cuộc xâm lăng, dày xéo trải theo chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Đó là những tổn thương, mất mát và bất hạnh!
Hoàn cảnh như vậy đã hun đúc nên một chủ nghĩa anh hùng, một tình yêu nước gắn chặt với tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm. Tinh thần ấy bao trùm và trở thành điển mẫu mỗi khi nói tới lòng yêu nước ở đất nước này. Hơn thế, đôi khi chúng ta nhầm lẫn đó là bản sắc, tức cái riêng của người Việt, chỉ có ở người Việt.
Xin thưa, không phải vậy. Cần nhìn nhận một cách khách quan và công bình rằng tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm là thuộc tính của bất cứ dân tộc nào. Khi một cộng đồng người có ý thức họ là một dân tộc thì luôn sẵn có tinh thần phản kháng ấy đối với bất kì kẻ lạ mặt nào đến xâm lăng chiếm cứ. Thử tìm xem có dân tộc nào đứng trước ngoại xâm mà họ không phản kháng?
Minh xác như vậy để khẳng định rằng chúng ta không may mắn như nhiều dân tộc khác, đấu tranh chống ngoại xâm là lựa cách duy nhất để tồn tại, chứ nó không phải là mong muốn hay tính cách của người Việt. Rõ ràng chúng ta yêu chuộng hoà bình, bài học Nguyễn Trãi cấp thuyền cấp ngựa cho giặc trở về nước, hay Lê Lợi trả kiếm ở Hồ Gươm vẫn còn đó.
Nhìn ra thế giới, mỗi dân tộc cũng có cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh của họ. Tất cả làm nên sự đa diện, nhiều chiều của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc.
Ở một quan niệm khác về tình yêu nước rất hay, nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua viết: “Tình yêu đất nước ban đầu chính là tình yêu đối với những điều gần gũi nhất: yêu thương cây cỏ trước nhà, yêu những con đường nhỏ ven sông, yêu hương thơm của trái cây mùa thu hoặc mùi cỏ dại trên đồng cỏ có hơi rượu mạnh.”
Đó là một tình nước giản dị, mộc mạc, gần gũi. Nó không cần phải gân cổ thốt ra bằng những lời lẽ đao to búa lớn.
Tình yêu nước ở một cá nhân, có lẽ ai cũng có, nó có thể sâu sắc hay hời hợt, cũng có thể trầm lắng hay sôi nổi. Nhưng có một điều là thường những ai luôn tỏ vẻ mình yêu nước, luôn miệng nói rằng mình yêu nước thì theo kinh nghiệm, tôi thực sự nghi ngờ. Bao giờ cũng vậy, một tình yêu sâu sắc, mãnh liệt luôn có có sự trầm tư, sâu lắng.
Yêu nước và biểu đạt tình cảm của mình là quyển của mỗi cá nhân.
Nhưng có lẽ tình yêu nước chỉ thực sự mang lại nhiều ý nghĩa cao đẹp, nhiều giá trị cống hiến; trước hết, khi mỗi cá nhân cố gắng làm tròn bổn phận của công dân, hoàn thành tốt công việc mình đang thực hiện, và có trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống.
Rõ ràng dân tộc ta, người Việt ta khi bước ra thế giới chịu nhiều thiệt thòi, nhất là ánh mắt kì thị hay những đối xử bất công của họ. Đây là một sự thật cần nhìn thẳng, nhìn thật nghiêm túc. Chúng ta suốt một thời gian dài không hội nhập và cứ nghe chúng ta nói về chúng ta nên có sự ảo tưởng.
Biểu hiện của nó là nhiều khi chúng ta tự mãn, tự sướng quá trớn sau một trận bóng đá. Mỗi khi đội tuyển Việt Nam mà thắng được Thái Lan thì cứ như rằng, tưởng chúng ta đã vượt qua họ tất cả. Họ có thể thua một trận cầu nhưng họ hơn ta nhiều thứ khác. Việc vui sướng là bình thường, tất yếu nhưng tâm lí tự mãn, tự hào thái quá sẽ ru ngủ chúng ta trong những cơn mộng mị mà không biết khi nào tỉnh.
Tâm lí tự hào kiểu đó hễ có dịp lại trở thành làn sóng. Người ta thi nhau hướng ứng, làm theo mà không cần phải suy nghĩ, cân nhắc.
Chẳng hạn như, mấy hôm nay, hiện tượng vẽ cờ đỏ sao vàng trên nóc nhà, tường thành, ban đầu có thể là trò đùa vui từ hình ảnh Photoshop.
Ngờ đâu nó bắt đầu nhân rộng, lan xa, nó như một thứ trend thời thượng. Những người làm theo hùa theo, họ cho rằng đó là việc làm yêu nước. Trước tình hình này, nhiều người đã lên tiếng phản đối, mổ xẻ trên nhiều phương diện từ pháp lý đến thẩm mỹ. Vậy mà nó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Qua đây, một lần nữa, thấy rằng dường như tư duy độc lập, nhận thức đúng / sai, đánh giá đẹp / xấu trong xã hội chúng ta đang mờ nhạt. Đó là một vấn đề hệ trọng đáng báo động, cần được quan tâm điều chỉnh, thay đổi.
Còn nếu, giả dụ rằng đó là một thái độ yêu nước thì rõ ràng, yêu nước như vậy chỉ là cái vỏ hình thức, bề nổi màu mè, trào lưu trang trí để thể hiện mình mà thôi. Tình yêu nước đích thực không xốc nổi và phô trương như vậy.
Để đánh giá được rõ bộ mặt yêu nước trung thành của mỗi cá nhân, đòi hỏi phải có hoàn cảnh, điều kiện, như cha ông ta đã đúc kết:
“Nước mất mới biết tôi trung, gia bần mới biết con hiếu thảo”.
Vậy nên, xin hãy dừng nhân danh lòng yêu nước theo cách ấy lại, trước khi đánh mất sự tôn nghiêm, thiêng liêng của tinh thần cao quý này.
———
Nha Trang, 18/08/2024
Nguyễn Thanh Huy