Bây giờ, Tết đến, tôi bất giác nhớ lại ngày xưa và có thể nói, trò chơi "ăn trầu" ngày Tết của chị em tôi hồi nhỏ với không khí êm đềm, tinh nghịch mà ngày thơ vẫn còn thơm mãi…

425 1 Tet Nay Lai Nho Tet Xua

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bên hoa Đào ngày Tết. Ảnh: NVCC

Dạo còn bé xíu, bố mẹ tôi ở cuối phố Bà Triệu (Hà Nội). Ngày Tết, mẹ thường dắt chị cả ra chợ Đuổi - bây giờ là TTTM Vincom. Tôi và lũ em ra cổng háo hức đợi mẹ và chị về. Thấy bóng mẹ và chị, cả bọn chạy ùa ra ngó vào cái rổ to trên tay mẹ và túi xách của chị: "Hôm nay mẹ mua gì ạ?". Chị cả bèn lôi trong cái túi chị xách trên tay ra những chiếc kẹo bông, kẹo lạc chia cho từng đứa em và cười: "Ăn kẹo không ngon bằng ăn trầu như mẹ đâu nha".

Chị cả trạc 12-13 tuổi trịnh trọng cuốn chiếc lá sấu xanh non bên trong có vài hạt muối do anh Thịnh con của bác tôi đã trèo lên cây sấu trong sân nhà vừa hái xuống, gài cuống lại, nhìn y như miếng trầu mẹ vẫn thường ăn, xếp lần lượt trên chiếc đĩa con, dưới những cặp mắt mở to nhìn cho đến lúc tất cả đồng thanh reo:

"Đầy rồi chị ơi"! Cả bọn trẻ gồm chị cả lớn nhất, đến chị hai khoảng lên mười, tôi lên tám, em gái sát tôi lên sáu và chị Câm ngồi bế em trai mới lên hai đều ngồi vòng quanh "đĩa trầu" mà theo chúng tôi là vô cùng hấp dẫn. Anh Thịnh đứng bên, cười:

- Mời các cụ xơi trầu ạ!

Lúc đó, chị cả mới hai tay nâng chiếc quạt mo đựng "trầu", đưa đến trước mặt anh Thịnh - người đã trèo cây hái lá non để chúng tôi được chơi trò này. Anh Thịnh cầm miếng lá sấu non đã cuộn lại như miếng trầu, cười tươi: "Em xin bác ạ". Và trầu lần lượt được chị đưa cho mỗi người. Bây giờ, Tết đến, tôi bất giác nhớ lại ngày xưa và có thể nói, "ăn trầu" ngày Tết của chị em tôi hồi nhỏ với không khí êm đềm, tinh nghịch mà ngây thơ vẫn còn thơm mãi ...

Yên Phụ là con đê nhỏ nằm chắn ngang giữa Sông Hồng và Hồ Tây, hồi đó phần lớn là bà con buôn bán nhỏ. Ai ở xóm đê cũng có một khoảng đất ngoài bãi An Dương để trồng rau, trồng hoa, trồng khoai ngô... Bố mẹ tôi dọn về đây muộn vào năm 1953 nhưng cũng có một khoảng đất ngoài bãi giữa - tức là phải qua xóm An Dương - đi thuyền qua sông mới tới.

Nhà tôi, bố mẹ đông con, năm 1955 đã có tới 7 đứa, bốn gái, ba trai.

Năm 1958 mẹ tôi mới sinh thêm em gái út. Tôi nhớ, năm nào mẹ cũng làm một chum tương to và rất ngon.

Chị cả đồ xôi trắng, làm đậu tương cứ thơm lừng. Rồi muối dưa muối cà. Và chum gạo trong nhà lúc nào cũng đầy. Bố tôi thường đi buôn gỗ tận trên Trung Hà, xa nhà mấy ngày liền, mẹ thì bận chợ búa cơm nước, chị cả thường đi theo bố nên mẹ bảo nhà lúc nào cũng phải có vại dưa, chum tương với chum gạo, để các con lỡ đói mà bố mẹ và chị cả không có nhà thì chỉ cần nấu nồi cơm là có thức ăn rồi.

Bà ngoại cùng mẹ con nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và cô em gái với hai cháu nội ngoại của bà.

425 2 Tet Nay Lai Nho Tet Xua

Bà ngoại cùng mẹ con nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và cô em gái với hai cháu nội ngoại của bà.

Dịp sắp Tết hàng năm, tôi còn nhớ mãi đến tận bây giờ những buổi được theo bố mẹ ra bãi giữa sông Hồng thu hoạch rau củ quả về ăn Tết. Đất ngoài bãi sông, nhà nào trồng gì cứ đến mùa là chỉ việc ra thu hoạch chẳng cần tưới bón, chăm sóc, canh chừng trộm cắp chút nào. Nhà tôi cũng trồng ngô, khoai, củ cải... như mọi nhà. Nhưng hoa cúc chi chẳng hiểu sao vẫn nở đầy... Và riêng tôi, ngày hôm đó là một ngày hội với hoa thơm củ ngọt rau tươi, cá béo và không khí trong lành tươi mới đúng như mùa Xuân đang đến.

Khi ra về, bọn trẻ con của bố mẹ cứ ôm đầy tay hoa cúc chi, củ cải trắng, khoai lang tím và rau xanh mướt! Cá bố câu được hôm ấy, có khi hai, ba cân, mẹ đem kho phần giữa, còn đầu và đuôi thì rán lên cho bố nhắm rượu. Với lại nấu canh dưa cùng quả cà chua... Đó là những món ăn thêm ngày Tết của trẻ nhà nghèo. Còn món ngon ngày Tết thì tôi không bao giờ quên ngày 27-28 Tết cùng cả nhà ngồi ngoài sân canh nồi bánh chưng. Đến nửa đêm, rét căm căm thì bố mẹ xua cả lũ con vào nhà ngủ, nhưng tôi vẫn thích nằm dưới chân mẹ, đắp chăn, đầu trùm kín bằng chiếc khăn vuông thơm mùi trầu của mẹ, lim dim ngủ.

Gần sáng, nghe mẹ thì thầm với bố: "Bánh nhỏ chín rồi thì phải, thày nó ạ" là tôi vùng ngay dậy, hét toáng lên: "Bánh bé chín rồi! Chín rồi". Thế là mấy chị em trong nhà dụi mắt chạy ra, đứng vòng quanh bố mẹ và nồi bánh. Bố đã xem thử, đúng là bánh nhỏ dành cho lũ con đã chín. Chúng tôi đứa nào đưa nấy chìa ngón tay trỏ ra, chờ mẹ nhận chiếc bánh bé từ tay bố vớt ở trong thùng luộc bánh ra. Các bạn ơi - hồi đó, chỉ Tết đến mới được ăn bánh chưng, thị gà và cá kho nha...

Chờ cho lũ con hết xuýt xoa vì nóng và vì vui thích, bố nói rất nghiêm: "Đây là lộc của trời đất, ông bà, bố mẹ dành cho các con. Đúng sáng mồng một Tết các con mới được bóc ra ăn mừng năm mới để cả năm đứa nào cũng ngoan, chăm, khỏe, vui nha". Chúng tôi nhảy lên và hét: "Chúng con nhớ rồi ạ". Ôi những niềm vui ngây thơ, nhỏ bé mà sâu sắc làm sao khiến tôi nhớ mãi không quên.

Nói đến món ăn ngày Tết xưa, tôi lại nhớ một món mà tôi cũng chẳng bao giờ quên, đó là bánh cuốn của bác Hai Phụng. Bác ở nhà ngoài, bố mẹ và lũ trẻ con chúng tôi ở nhà trong, qua một khoảng sân, qua nhà bác mới ra đường nên ngày Tết bố mẹ nhất định không cho chúng tôi về quê thăm ông và các bác nếu nhà bác Hai Phụng chưa có ai xông nhà(!). Cái này chẳng ai quy định , nhưng chúng tôi cứ phải chờ bác trai đến nhà tôi chúc Tết xong, mời bố tôi và em trai lớn ra xông nhà bác lấy may, rồi tất cả mới được ra khỏi nhà lên Tứ Liên chúc Tết ông nội và các bác các cô.

Mấy chục năm ở sát vách nhau như vậy, nhưng tôi chưa thấy hai nhà xích mích với nhau bao giờ. Ngược lại, bác gái còn rất quý mẹ tôi và chị cả, rất hay mời ăn mở hàng bánh cuốn bác làm bán hằng ngày. Và dịp Tết, mồng 4 mồng 5, bác gọi cả lũ con của bố mẹ ra gọi là mở hàng năm mới cho món bánh cuốn nhân thịt của bác. Úi cha là ngon. Bác gái có hàm răng đen nhức và đầu chít khăn mỏ quạ giống mẹ tôi. Hai bác lại chưa có con nên rất thích lũ lau nhau hàng xóm là chúng tôi ở nhà trong của bác.

Ngày thường, chẳng mấy khi bọn nhóc chúng tôi được ăn sáng bằng xôi, phở hay bánh, mà chỉ có cơm rang hoặc cơm nguội để nóng lên ăn với dưa chua chấm tương của mẹ, hoặc may lắm là có cá kho do bố câu về. Vì thế Tết năm nào lũ chúng tôi cũng háo hức đợi ngày bác gái bán mở hàng.

Cả lũ ngồi vây quanh chiếc bàn gỗ mộc, háo hức đợi từng đĩa bánh thơm lừng, có mộc nhĩ, hành tươi, thịt băm thơm nức mũi. Và sau đó, mẹ tôi trân trọng trao bác chút tiền mừng mở hàng năm mới buôn may bán đắt. Hai bà bạn ngồi trò chuyện, bỏm bẻm nhai trầu thật thanh thản và vô cùng thân thiết.

Những kỷ niệm về ăn Tết của tôi thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là những gì vô cùng nhỏ bé, sâu đậm và tươi trong thân thiết của tuổi thơ.

Nhớ mẹ tôi hiền hậu dịu dàng chăm chỉ và dạy con từ nhỏ biết trân quý sự thật thà, giản dị, không đua đòi ăn ngon mặc đẹp, không lười nhác và không dối trá.

Cảm ơn tuổi thơ trong ngôi nhà đông đúc mà tràn ngập tình thương yêu. Cảm ơn ông bà bố mẹ đã cho con luôn biết trân quý những ai đã giúp đỡ, thông cảm với mọi sai sót của con, đã thương mến và chia sẻ mọi điều. Cảm ơn cuộc đời đã cho con sống qua một thời khó khăn mà trong sạch, đầy niềm vui thơ trẻ vô cùng trong trẻo đáng yêu.

Bây giờ, có thể mọi điều đều đã khác.

Nhưng nhờ có một tuổi thơ đáng yêu và trong sáng, con thấy mình vẫn cố sống vui sống khỏe giữa cuộc đời đầy bon chen, nhiều chuyện xấu xa. Và mùa Xuân lại đến, với hoa hơm trái ngọt những chuyện vui buồn cay đắng nhưng trên hết vẫn là niềm vui sống yêu đời của những tâm hồn biết trân trọng cuộc đời này.

Phan Thị Thanh Nhàn

Nguồn: Giadinh.net.vn


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài