Khi ấy, con tôi cũng khoảng 4 tuổi, thường hay tự đạp xe loanh quanh trong ngõ. Tôi, trong thời điểm ấy, khá chủ quan nên không quan sát con nhiều...

1 Tu Vu Vo Tinh Can Chet Con Toi Nho Lai Cau Chuyen Cua Con Gai Minh

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Suốt cả ngày nay, bản thân tôi cứ bần thần khi đọc mẩu tin về người mẹ ở Thái Nguyên, trong một phút vô tình đã lỡ tay điều khiển xe cán trúng con trai mình.

Thật không may, đứa trẻ ấy đã không qua khỏi. Dù thế, chúng ta không nên vội xét đoán mọi việc theo cách nghĩ của riêng mình.

Bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng mong muốn điều tốt nhất cho con. Và tôi tin người mẹ kia hẳn đã vô cùng đau xót, ám ảnh.

Xét cho cùng, chị ấy đáng thương hơn đáng trách. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là sự an toàn cho trẻ khi lưu thông trên phố với cha mẹ nên được đề cao và chú trọng trong mọi thời điểm.

Cá nhân tôi cho rằng các bậc cha mẹ nên dạy con những kĩ năng, rèn luyện cho trẻ cách ứng phó phù hợp khi gặp phải sự cố giao thông. Đó là cách bảo vệ cho trẻ, hạn chế tối đa các tình huống đáng tiếc.

Bản thân tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện thời còn bé của con gái mình. Khi ấy, con tôi khoảng 4 tuổi, thường hay tự đạp xe loanh quanh trong ngõ. Tôi, trong thời điểm ấy, khá chủ quan nên không quan sát con nhiều. Mãi đến một buổi trưa, đang mải mê làm bếp, quên mất con gái đang chạy xe đạp ngoài ngõ, tôi nghe tiếng cô hàng xóm gọi mình hoảng hốt: “Em ơi. Ra xem bé nhà em này. Bé suýt nữa thì bị xe tải tông trúng”.

Trong cơn hoảng loạn, tôi vội vã chạy ra ngõ thì thấy con gái đang khóc thút thít cạnh vài cô chú lớn tuổi trong khu phố.

Người lái xe tải ngần ngại xin lỗi vì con gái tôi băng ra đường bất ngờ nên chú không phản ứng kịp, may mà bé không sao. Khi ôm chặt con gái vào lòng, nước mắt tôi không ngừng rơi.

Vì chút bất cẩn và “não cá vàng” hay quên mà tôi đã không trông chừng con đàng hoàng, khiến bé suýt chút rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Tôi bối rối nói lời xin lỗi đến con gái, chú tài xế và bà con làng xóm xung quanh.

Mọi người không hề trách cứ mà ngược lại đều ôn tồn an ủi tôi. Tôi nhớ mãi lời nói của chú tài xế: “Thôi mọi việc đã xảy ra rồi. Chị cũng đừng tự trách bản thân hay la rầy bé. Tôi cũng có một phần trách nhiệm trong việc này. Người lớn chúng ta nên chú ý dạy dỗ trẻ con biết cách tham gia và phòng tránh mọi tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông”.

Cũng kể từ hôm ấy, nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục kĩ năng sống nhằm ứng phó với mọi tình huống bất trắc, tôi đã ra sức trò chuyện và dạy cho bé con nhà mình rất nhiều về việc tham gia giao thông.

Tôi tìm mua những quyển sách có phần minh họa tranh ảnh dành cho trẻ em tìm hiểu về luật giao thông. Con gái tôi tỏ ra rất hứng thú với nội dung và những bài học mà sách truyền tải.

Thậm chí, mẹ con tôi còn tham gia đóng kịch, tái hiện lại một số tình huống nguy hiểm trên đường như khi có ô tô bất ngờ chạy đến; cách dừng lại hoặc băng qua đường ra sao khi có tín hiệu đèn giao thông hoặc thậm chí khi cha mẹ vô tình bỏ quên bé trên đường, phải bình tĩnh đứng yên, không được chặn ngang đầu xe như thế nào...

Chồng tôi thường cùng con ra ngoài và hướng dẫn bé những nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông, tiếp xúc với các phương tiện xe cộ. Bản tính trẻ con rất nhanh nhạy và thích bắt chước người lớn nên con gái tôi dễ dàng tiếp thu và học tập được những kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Trở lại với câu chuyện của người mẹ ở Thái Nguyên. Cùng là người làm mẹ, tôi rất đồng cảm với nỗi đau mất con do một phút bất cẩn gây ra của chị. Sau tất cả mọi lời chỉ trích hay phán xét, cá nhân chị chính là người đau đớn nhất trong tai nạn thương tâm này.

Có thể trong một phút giây lo âu hay xao nhãng vì áp lực của cuộc sống, chị đã vô tình không kiểm tra kỹ sự hiện diện của con mình trên xe. Cũng từ đó, gây nên tình trạng hoảng loạn khiến đứa trẻ sợ hãi, đứng chặn ngang đầu xe của mẹ và gây nên tai nạn thương tâm.

Dù đau xót nhưng chúng ta, những bậc làm cha mẹ cũng cần dành thời gian để suy ngẫm về cách giáo dục và rèn luyện kĩ năng khi tham gia giao thông cho con.

Người lớn không thể mãi bảo bọc và theo sát các con trong mọi trường hợp. Do đó, việc trang bị cho con sự cảnh giác, khả năng bình tĩnh và ứng phó với mọi tình huống trong cuộc sống là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, để hạn chế tuyệt đối mọi rủi ro, các bậc làm cha mẹ nên biết cách điều tiết cảm xúc, giữ tâm trạng bình tĩnh và tỉnh táo chăm sóc con trong mọi tình huống.

Độc giả Nguyễn Thị Hồng Anh

Nguồn: Vietnamnet.vn


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài