Tôi không trả lời trực tiếp câu hỏi này vì không có câu trả lời nào đúng cho tất cả mọi người. Hôm nay tôi viết về các ngành “Trades”. Thật sự không biết dịch chữ “Trades” này ra tiếng Việt sao cho chuẩn, nên tạm dịch là “thợ tay nghề”, nhưng mà nói “trades” thì chính xác hơn.
TRADES LÀ GÌ?
Khi nói đến “trades – thợ tay nghề” thường người ta hay nghĩ đến thợ điện, thợ ống nước, hàn, mộc, sửa xe… Nhưng thực chất có hơn 200 ngành được phân loại là trades tại Canada. Trades được chia ra 4 nhóm chính:
Nhóm xây dựng, bao gồm các ngành nghề như thợ điện, mộc, ống nước, lắp đặt đường ống, hàn, vận hành thiết bị nặng, sơn…
Nhóm vận tải, bao gồm các ngành nghề như kỹ thuật viên dịch vụ ô tô, kỹ thuật viên hàng không, thợ sơn ô tô, kỹ thuật viên hệ thống nhiên liệu/ điện…
Nhóm sản xuất, bao gồm các ngành nghề như dập khuôn, cơ khí công nghiệp, gia công kim loại chính xác…
Nhóm dịch vụ, bao gồm các ngành nghề như làm vườn, đầu bếp, cắm hoa, tạo mẫu tóc… Trong 4 nhóm này thì nhóm ngành xây dựng có đông người nhất, chiếm khoảng 40-50% thợ tay nghề.
SAO LẠI NÓI CHUYỆN TRADES?
Như mọi người đã biết (nếu không biết cũng không sao!), Canada có khá nhiều chương trình nhập cư tay nghề tỉnh bang và liên bang. Theo quan sát của riêng tôi, nhu cầu các lao động ngành trades dần lấn chiếm trong danh mục ưu tiên, do sự thiếu hụt nhân lực càng ngày càng lớn. Bữa rồi tôi có chụp được mấy con số thống kê trong tài liệu hướng nghiệp cho học sinh trung học Ontario như sau:
– Đến năm 2025, Canada sẽ thiếu hụt cỡ 1,2 triệu lao động trades
– Đến năm 2025, 40% công việc sẽ là skilled trades
Năm nay 2017 rồi, chỉ còn 7 năm nữa thôi là sẽ đạt các con số kể trên.
Hình tôi chụp từ tài liệu hướng nghiệp cho học sinh trung học tỉnh Ontario
HỌC VÀ BẰNG CẤP CỦA TRADES KHÁC THẾ NÀO?
Chương trình học và thực tập có thể kéo dài từ 1 cho đến 5 năm tuỳ vào ngành nghề. Ngoài bằng cao đẳng như các chương trình cao đẳng khác, có hai loại chứng nhận mà bạn sẽ hay gặp trong trades:
Certificate:
Đây là chứng chỉ hành nghề quy định theo từng tỉnh bang. Do đó, bạn cần tìm hiểu luật của tỉnh mà bạn định làm việc để biết rõ họ có những yêu cầu gì về Certificate. Certification có thể bắt buộc, hoặc không. Certification bắt buộc có nghĩa là bạn phải có chứng chỉ hành nghề của tỉnh bang mới được làm việc trong ngành này.
Để lấy Certificate, bạn thường phải trải qua kỳ thực tập công việc, và được giám sát bởi một thợ lành nghề, trước khi được cấp chứng chỉ. Khi thực tập, bạn cần phải đăng ký và làm báo cáo với hội đồng ngành nghề, nơi sẽ cấp chứng chỉ cho bạn.
Red Seal:
Chứng chỉ có giá trị liên bang. Trong một số nghề, nếu bạn đủ số giờ làm việc thực tế dưới sự giám sát của người có Red Seal, và hoàn tất kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia về ngành nghề (Interprovincial Standards Examination) thì bạn sẽ nhận Red Seal Certification. Red Seal Certification cho phép bạn có thể làm việc ở toàn Canada, không giới hạn tỉnh bang.
Cả Read Seal và Certificate đều giúp cho bạn tăng điểm trong hệ thống tính điểm nhập cư Express Entry của Canada. Tuy nhiên, để có được những chứng nhận này, bạn phải dành khá nhiều thời gian làm việc thực tế. Nên đây không phải là điều dễ và nhanh thực hiện.
NHỮNG “TIN ĐỒN” CHƯA ĐÚNG VỀ TRADES
Tin đồn thứ nhất: ngành nghề không ổn định
Thực tế: Nó nằm trong số những nghề ổn định nhất. Hiện nay những người làm nghề này đang được chào đón vì sự thiếu hụt thợ tay nghề mỗi ngày mỗi lớn. Ngoài ra, người có kỹ năng tay nghề thường dễ thích nghi với sự thay đổi công việc, vì yêu cầu công việc hầu như giống nhau ở tất cả mọi nơi.
Tin đồn thứ hai: môi trường làm việc dơ bẩn và ồn ào
Thực tế: Nhiều ngành trades không yêu cầu bạn phải làm việc ngoài trời hay tiếp xúc với những thứ dơ bẩn. Rất nhiều công việc làm với máy tính, nhà hàng, các thiết bị kỹ thuật và làm việc trong phòng.
Tin đồn thứ ba: công việc thiếu thử thách, lặp lại, và dễ chán
Thực tế: Những người này phải làm việc với các máy móc thiết bị hiện đại. Họ được đào tạo thường xuyên và làm việc với các dự án mới và thú vị. Những người này phải thông minh và có khả năng thích ứng tốt.
Tin đồn thứ tư: nghề đẳng cấp thấp
Thực tế: Skilled trades đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và xã hội Canada. Các lĩnh vực làm việc của họ trải dài từ xây dựng, hầm mỏ, dầu khí, đến dịch vụ và du lịch. Canada phụ thuộc vào những lao động ngành nghề này, nếu không có họ, sẽ không có sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, tại Canada, người ta luôn xem trọng những người làm trong các lĩnh vực này.
Tin đồn thứ năm: lương thấp
Thực tế: Hầu hết đều có mức lương cao hơn mức thu nhập trung bình. Một số có thể nhận lương trên $100,000 mỗi năm. Theo Statistics Canada, khoảng cách thu nhập giữa người có bằng trades và người có bằng cử nhân đại học đang dần được thu hẹp. Giữa năm 2000 và 2011, lương của lao động tay nghề có bằng trades tăng 14%, trong khi người có bằng cử nhân chỉ tăng có 1%. Và người học trades có thể được hưởng lương ngay từ giai đoạn thực tập nghề nghiệp.
CHỌN NGHỀ NÀO ĐỂ HỌC?
Có hơn 200 ngành trades trên khắp Canada, nên việc tìm kiếm đúng ngành để học thể là vấn đề khó khăn. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn:
1. Nhìn xem 4 nhóm ngành bên trên, có nhóm nào hợp với mình? Mình thích sửa chữa xe hay thích làm vườn? Thích sửa ống nước hay thích làm bánh?
2. Vào website của một trường cao đẳng mình thích, và vào mục chọn lựa theo lĩnh vực yêu thích, ví dụ webiste của trường cao đẳng Algonquin, một trường khá tốt và uy tín của Ontario: http://www.algonquincollege.com/future-students/programs/areas-of-interest/. Bạn sẽ thấy có đủ 4 nhóm ngành trades tôi nói bên trên chứa trong các mục nhỏ sau:
Nhóm xây dựng và Nhóm sản xuất: Construction and Trades
Nhóm vận tải: Transportation and Automotive
Nhóm dịch vụ: Culinary Arts hoặc Wellness
3. Liệt kê 5 ngành mà mình cảm thấy gần với tính cách và khả năng mình nhất.
4. Tìm hiểu và liệt kê chi tiết hơn về ngành nghề mình chọn. Thường các thông tin này có rất nhiều trong mô tả chương trình học ở website của trường cao đẳng:
Mô tả nhiệm vụ, trách nhiệm công việc
Kỹ năng cần có là gì?
Môi trường làm việc: trong nhà, ngoài trời, trong bếp, trong phân xưởng…
Giờ giấc làm việc có thể phải đáp ứng
Yêu cầu học tập: số năm học, số giờ thực tập, có phải thi lấy chứng chỉ gì không?
Mức lương có thể nhận được
Triển vọng tương lai nghề nghiệp
Còn những nghề nào gần giống vậy nữa không?
LỜI CHÀO:
Thôi dài rồi, đọc nhiêu đó cũng mệt hen. Khi nào vui vui tôi sẽ viết nữa, vì có nhiều điều để nói lắm. Chúc mọi người tìm được ngành nghề thích hợp.
Theo THUY DANG