Ai viết bài này vậy? Đầu tiên, xin phép được nói một chút về người viết bài này. Tôi tên Như, hiện là thành viên của đội ngũ hỗ trợ du học Ngân Hà Xanh. Tôi cũng từng là sinh viên có ý định du học Canada như bạn. Lúc bắt đầu tìm hiểu, Như chăm đọc ở tất cả các trang hiện trên Google. Nhưng sao… bài viết nào cũng như đang dịch thuật vậy, đọc xong, thông tin trôi tuột mất. Và quan trọng, đọc hết cũng không biết phải làm gì tiếp theo. Rõ ràng có gì đó sai sai ở đây. Mà người đang có nhu cầu du học, cần có những thông tin thực tế nhất để có thể xây dựng được lộ trình du học cho bản thân. Đó cũng là lý do Như và team mong muốn mang đến những chia sẻ công khai và minh bạch để giúp đỡ các bạn đang có nhu cầu làm hồ sơ du học Canada.
Ơ, sao lại viết một bài thật dài chi vậy? Sự thật là: chúng ta đều bận.
Đứng ở vai trò người tìm kiếm thông tin: bạn quá bận rộn để đọc hết bài viết này đến bài viết khác, mà không có được thông tin hữu ích; bạn không có thời gian để nghe những lời sáo rỗng, màu hồng về việc du học,…Đứng ở vai trò người tư vấn Ngân Hà Xanh: chúng tôi cũng bận khi mà có quá nhiều khách hàng đưa chúng tôi xem những thông tin sai lệch và hỏi tại sao thông tin tụi tôi đưa khác quá vậy… Và, bài viết này đóng vai trò là một cây cầu để chúng ta hiểu nhau hơn trước khi có bước liên hệ trao đổi thông tin.
Ấp ủ về bài viết triệt để của chúng tôi. Một bài viết không chỉ đơn giản là đưa thông tin đúng và đủ, nó còn phải giải quyết TRIỆT ĐỂ vấn đề của người đọc nữa. Vì vậy, bài viết này là mở đầu cho một chuỗi bài về du học khác mà đội ngũ tư vấn du học Ngân Hà Xanh đang ấp ủ thực hiện.
Okay, phần làm quen giới thiệu đã xong, giờ mời bạn đọc bài.
Hướng dẫn đọc bài cho hiệu quả. Nội dung bài này sẽ có 6 phần. Dù bạn ở nhóm đang muốn đi du học trung học Canada hay nhóm du học thạc sĩ Canada, bạn cũng nên đọc thông tin tổng quan từ mục 1 – 5. Phần 6 sẽ là phần chi tiết các chương trình học, lúc này, bạn sẽ tìm thấy thông tin riêng biệt cho chương trình bạn muốn học.
Nội dung bài viết du học Canada 2018:
1. Điều kiện du học Canada
2. Định hướng rõ trước khi ra quyết định
3. Cách chọn được trường ưng ý, nhanh chóng
4. Lộ trình du học Canada cụ thể
5. Vấn đề định cư Canada sau khi tốt nghiệp
6. Tổng quan về các chương trình du học Canada
7. Bonus và kết luận
—
Canada…
Nếu bạn đã tìm kiếm và phần nào quyết định du học Canada, có lẽ tôi không cần nói quá nhiều về ưu điểm của quốc gia này nữa. Canada là đất nước nổi tiếng với nền chất lượng giáo dục cao, chi phí vừa phải, môi trường sống yên bình và chính sách định cư mở cửa. Thế nhưng mà là mà, điều kiện du học thế nào, bao nhiêu tiền thì đủ?
1. Điều kiện du học Canada
Dù đang có ý định học chương trình Thạc sĩ hay Trung học, nếu muốn vượt biển, bạn đều cần thoả: điều kiện tài chính và điều kiện năng lực.
(1) Điều kiện tài chính: du học Canada cần bao nhiêu tiền?
Học phí: tuỳ chương trình và trường. (Bạn sẽ tìm thấy thông tin này ở mục số 6.)
Phí sinh hoạt: Bạn tham khảo ở trang này.
Cần bao nhiêu tiền để chứng minh tài chính?
Tài sản cố định (bất động sản, cổ phần công ty…) tuy là điều kiện cần, nhưng nếu bạn chỉ chứng minh nhiều tài sản mà không chứng minh được thu nhập thì cũng không ổn. Ở đây, tổng các nguồn thu nhập của phụ huynh (hoặc người thân trực hệ) phải tầm 50-60tr VNĐ/tháng. Nhiều hơn thì tốt, nhưng tầm này là hồ sơ ngon rồi.
Tuy nhiên, dù có ngần đấy tiền rồi, vẫn có khả năng bị đánh rớt visa nếu không biết cách làm. Trong quá trình làm hồ sơ cho khách, có khi tôi xem lại hồ sơ bị đánh rớt ở những nơi khác, mới phát hiện: ủa, tài chính như này sẽ được đậu rồi chứ, sao lại rớt? Hóa ra là do không biết cách chứng minh tài chính.
Đối với chứng minh tài chính du học Canada: chỉ dùng một nguồn. Nếu ba mẹ không đủ thì có thể nhờ người thân trực hệ (anh, chị, cô, chú, bác..ruột), tuy nhiên chỉ từ một nguồn thôi, không nên người này 4 phần, người kia 6 phần…Lãnh sự quán sẽ hiểu là kinh tế không vững, phải ghép lại từ mấy nhà, vậy là đánh rớt. Bạn lưu ý note lại điểm này nhé.
(2) Điều kiện năng lực
Có tiền là tiên quyết rồi, nhưng còn cần thêm một số thứ nữa…
Điều kiện về độ tuổi, bằng cấp
Tuỳ từng chương trình học sẽ có điều kiện về độ tuổi và bằng cấp đi kèm. (Bạn sẽ tìm thấy thông tin này ở mục số 6.)
Điều kiện về trình độ ngoại ngữ
Canada là đất nước sử dụng cả 2 ngôn ngữ: Anh và Pháp. Trừ chương trình du học Trung học không yêu cầu ngoại ngữ, còn lại bạn đều cần chứng minh khả năng ngoại ngữ. (Bạn sẽ tìm thấy thông tin này ở mục số 6.)
Xin được visa
Theo luật của chính phủ Canada, hồ sơ visa của du học sinh quốc tế cần có:
– Xin visa theo dạng thường (có chứng minh tài chính): Thư chấp nhập học của một trường tại Canada, Hộ chiếu, Các loại giấy tờ chứng minh được khả năng tài chính, Thư giải trình.
– Xin visa theo dạng CES (không chứng minh tài chính): Thư chấp nhập học của một trường (có nằm trong danh sách CES) tại Canada, Hộ chiếu, Chứng nhận đã đóng học phí 1 năm học tại trường Canada.
2. Định hướng trước khi đưa quyết định
Không chỉ riêng đối với người có mong muốn du học, định hướng nghề nghiệp là giai đoạn quan trọng đối với tất cả học sinh sinh viên. Tuy nhiên, đa số học sinh sinh viên Việt Nam đều không rõ định hướng nghề nghiệp của bản thân. Mà việc chưa định hướng này, sẽ dễ dẫn đến phí tiền, phí thời gian khi đi du học.
Bài viết này không đủ để tôi nêu chi tiết về vấn đề này, vì ở mỗi trường hợp với mỗi cá tính, sở thích và năng lực riêng biệt, sẽ có những lựa chọn ngành học và nghề nghiệp khác nhau. Trong quá trình tiếp xúc và nghiên cứu hồ sơ, tôi sẽ đưa gợi ý những ngành học và nghề nghiệp phù hợp.
[Sở thích + Năng lực + Nhu cầu xã hội = Nghề nghiệp lý tưởng]
Đây là lý do vì sao ngoài việc tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân, bạn cần có bên cạnh sự hỗ trợ của một người tư vấn có kinh nghiệm, am hiểu về nền giáo dục của quốc gia định du học.
3. Tiêu chí chọn trường học
Đôi nét về hệ thống giáo dục Canada
– Đối với trung học: mỗi trường sẽ có giới hạn số lượng du học sinh. Tuy nhiên, ở mỗi học khu sẽ có ít nhất là 10 trường. Đây là con số khá okay, vì thế, sự lựa chọn với trường trung học sẽ khá đa dạng. Đa số tôi sẽ gợi ý cho khách hàng chọn trường công lập. Còn nếu khách hàng muốn cho con ở nội trú thì sẽ chọn trường tư thục, dĩ nhiên chi phí sẽ cao hơn trường công.
– Đối với cao đẳng, đại học: khi lựa chọn thường dựa trên những yếu tố như chi phí, chuyên ngành, và độ chuyển tiếp.
– Người ở Việt Nam mình hay quen khái niệm College tức là thấp hơn University, nên là phải cho con đỗ Đại Học thì mới oách. Ở Canada lại không phải như vậy. College bên họ cũng đào tạo bằng Bachelor (Cử Nhân) được công nhận y như University. Rốt cuộc khi chọn sẽ là một bài toán cân nhắc nhiều chứ không chỉ dựa trên cái danh hiệu Uni hay College.
Xác định mục tiêu trước khi bắt đầu chọn trường
Thật ra, khi trao đổi vấn đề chọn trường học với khách hàng, nếu không nhờ khách hàng xác định rõ yêu cầu, mục tiêu ưu tiên khi chọn, thì bọn tôi sẽ mất có khi…2 tháng trời mà chẳng xong.
Để tiết kiệm thời gian cho qúa trình này, bạn cần xác định tâm lý: sẽ không có trường nào hoàn hảo, thỏa hết tất cả mong muốn. Một số tiêu chí khi chọn trường: gần nhà người thân, trường ở thành phố lớn, trường không có đạo, ngân sách/ khả năng chi, nổi tiếng về ngành bạn muốn học, trường có nhiều học bổng…
Vai trò của tư vấn viên trong quá trình chọn trường
Ờ, nhưng tại sao cần tư vấn viên? Tuy trường học ở Canada khá chuẩn hơn ở Mỹ “thượng vàng hạ cám” nhưng dễ hiểu là bạn làm gì có đủ thông tin và rành rẽ về thế mạnh của tất cả các trường. Ví dụ: nếu học sinh học tốt, sẽ tư vấn cho trường có đào tạo IB (tú tài quốc tế) hay có các khóa AP (khóa học nâng cao) phù hợp. Việc có sự hỗ trợ của người tư vấn viên để đưa gợi ý trường học sẽ giúp quá trình du học của bạn hiệu quả hơn.
4. Lộ trình thủ tục du học Canada
Dù bạn tham gia học chương trình thạc sĩ hay trung học, bạn cũng cần đi theo lộ trình thủ tục như sau:
(1) Nộp Application form (đơn xin học) cho trường bạn muốn học.
(2) Nộp tiếp những giấy tờ có liên quan theo yêu cầu của nhà trường.
(3) Nhận kết quả từ trường học
(4) Xin visa
Thời gian tổng cộng của toàn bộ lộ trình này sẽ mất tầm 8 – 12 tháng (đó là trường hợp nếu bạn mượt ở các khâu, không bị kẹt khâu nào).
* Lưu ý cho từng bước:
– Khi làm bước (1) nên kết hợp song song với quá trình chuẩn bị hồ sơ cho visa cho kịp. Vì du học Canada cần chứng minh tài chính vất vả hơn.
– Ở bước (3), trong lúc đợi, bên trường sẽ có liên lạc để phỏng vấn hoặc gởi bài test cho bạn. Nhớ kiểm tra email, phone trong lúc này.
– Bước (4), nếu trường bảo bạn không đạt chuẩn. Hãy chuẩn bị một phương án khác, hoặc chuyển sang chọn trường khác. Nếu bạn nhận được Thư mời học (Offer Letter) thì tốt, triển ngay tới bước xin visa.
5. Vấn đề định cư Canada sau khi tốt nghiệp
Rõ ràng, chúng ta đầu tư du học vì một mục tiêu nào đó. Và mục tiêu định cư sau khi tốt nghiệp là mục tiêu của phần đông du học sinh hiện nay. Trong bài viết lần này, tôi sẽ khẳng định lại một số quan điểm sai lầm trước giờ chúng ta khư khư là đúng.
Một số quan niệm sai lầm về định cư Canada
(1) Một số chuyên ngành sẽ dễ định cư hơn những chuyên ngành khác.
Không có ngành nào là dễ định cư hơn cả. Được định cư hay không hoàn toàn tùy vào năng lực và thời điểm. Cụ thể:
– Năng lực của bạn sẽ thể hiện qua điểm số học tập, quá trình học, kinh nghiệm làm việc.
– Thời điểm: Ở mỗi thời điểm sẽ có nhu cầu nhân lực khác nhau tùy theo. Ví dụ, thời điểm bạn chọn, ngành kế toán đang hot, nhưng khi học xong, 4 năm sau, kế toán đã không còn là ngành cần nguồn nhân lực nữa. Ngược lại, nếu học ngành môi trường, 4 năm sau, ở thành phố này, cần nguồn lao động chất lượng ngành môi trường, thì bạn hiển nhiên thành siêu sao.
(2) Chọn học ở vùng/ tỉnh bang dễ định cư, chi phí thấp.
Nghe lời khuyên, chọn học ở vùng hẻo lánh vì học phí thấp. Ví dụ nếu muốn học ngành quản lý khách sạn,..nhưng ở vùng hẻo lánh, làm gì có job offer ngành khách sạn. Vậy thì, làm sao định cư? Hay nên chọn vùng này vì nó có chính sách hoàn học phí? Không hề nha! Bạn phải đi làm, rồi từ lương nhận được, cục thuế mới hoàn lại một phần lương mỗi tháng, và tối đa chỉ hoàn lại một phần học phí.
(3) Thành phố lớn thì dễ định cư hơn?
Tương tự như ngành học, không có chuyện ráng chen chân vào được thành phố lớn là có vé định cư sau khi tốt nghiệp. Dù bạn đang ở bang nhỏ nhưng nếu bang đó đang có nhu cầu việc làm trùng ngành học, thì khả năng định cư của bạn là khá cao.
Okay, hãy bỏ ngoài tai bớt những định kiến, lời đồn định cư và đọc tiếp những bí kíp để tăng điểm định cư bên dưới nào!
Những cách tăng điểm định cư Canada
Nếu đã xác định là học Canada để định cư, thì bạn cần bỏ túi những “luật ngầm” này:
– Đi du học sớm để có số điểm cộng (theo số năm ở lại) cao hơn. Độ tuổi tốt nhất là 20-29 tuổi. Càng cao tuổi hơn càng mất điểm, từ 40 tuổi trở đi là mất điểm nhiều nhất.
– Học bậc cao hơn hoặc học chương trình dài hơn. Ví dụ học Master 1 năm được 135 điểm còn Post-graduated 1 năm chỉ được 90 điểm. Cao đẳng 2 năm (Diploma) được 98 điểm so với cao đẳng 3 năm (advanced diploma) hoặc đại học 3-4 năm được 120 điểm. Ngoài ra, sau khi đã tốt nghiệp một bằng 3 năm (advanced diploma hoặc cử nhân BA), học thêm một bằng 1 năm cũng giúp tăng điểm (bằng 1 năm này có thể là postgrad hoặc Master).
– Nếu xác định học để định cư thì đừng học những ngành mang tính “quản lý”, nên chọn ngành cụ thể, để dễ xin được việc sau khi học. Nói trắng ra, sẽ chẳng ai thuê sinh viên quốc tế mới ra trường làm quản lý nhà hàng/ khách sạn (vì chọn người bản xứ sướng hơn), nhưng người ta sẽ dễ thuê người làm kế toán, kĩ sư, IT….
– Chọn ngành học theo đam mê, sở thích của bản thân (chứ không phải của cha mẹ). Đam mê mới là thứ khiến bạn học tập làm việc chăm hơn, và tất nhiên sẽ có kết quả hơn.
– Siêng năng tham gia đóng góp cho xã hội: sinh viên trong quá trình học có đóng góp xã hội, có làm thiện nguyện là một lợi thế khi xét định cư. Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất khi xin định cư (dù bạn sẽ chẳng thấy nó được nêu ở bất kì văn bản chính thức nào).
Tóm lại: đừng chọn trường, lựa ngành chỉ vì lợi ích trước mắt. Cần chọn theo sở thích, năng lực và điều kiện của bản thân. Và cũng khuyên các bạn phải chủ động hơn, năng động thì nhiều cơ hội sẽ mở ra.
Đến đây là hết phần thông tin chung về du học Canada. Tiếp theo, tôi sẽ viết chi tiết cho từng nhóm du học cụ thể. Đọc tiếp để tìm thông tin phù hợp với bạn nhé.
6. Tổng quan về các chương trình du học Canada
Không tính những chương trình học tiếng Anh, chia theo cấp bậc sẽ có tổng cộng 5 nhóm chương trình du học Canada: Trung học, Cao đẳng, Đại học, Post-graduated và Thạc sĩ.
Bảng tổng quan thông tin về tất cả chương trình du học Canada.
Rồi, vậy giờ bạn thuộc nhóm nào, hãy nhấn xem chi tiết về nhóm đó ở các bài riêng. Mà khoan, hãy dành thêm 2 phút để đọc tiếp phần “Bonus và kết luận” của bài này trước khi nhấn đọc tiếp loạt bài chi tiết các chương trình học.
6.1 Nhóm du học Trung Học
6.2 Nhóm du học Cao Đẳng
6.3 Nhóm du học Đại Học
6.4 Nhóm du học Post-graduated
6.5 Nhóm du học Thạc Sĩ
7. Bonus và kết luận
Phần bonus sẽ là phần đúc kết được trong quá trình bọn tôi tư vấn cho khách hàng trong suốt hơn 10 năm qua. Đọc để rút kinh nghiệm cho chính lộ trình du học Canada của bạn nhé
(1) Chứng minh tài chính cho nhanh-cho lẹ.
Cần chú ý: giữ lại các hóa đơn, biên lai, hợp đồng trước ít nhất 6 tháng, để lúc làm hồ sơ chứng minh tài chính đã có sẵn, không tốn thêm thời gian thu nhặt nữa. Có kinh doanh thì cần biên lai, hợp đồng. Nếu cho thuê nhà, cần hợp đồng nhà, chứng minh nhân dân người thuê (sổ đăng kí tạm trú okay), thì giữ lại lai chuyển khoản ngân hàng. Biên lai này không cần công chứng, hợp đồng tay miễn liên quan tới chính quyền, ngân hàng là được.
>Đọc cho vui: Nói đến đây lại nhớ, năm ngoái, có chị khách hàng dù có công ty khá lớn nhưng không chứng minh được tài chính, vì công ty toàn bị báo lỗ. Chị có cho thuê nhà nhưng chỉ là hợp đồng tay và trả bằng tiền mặt. Thế là phải tốn thêm 4 tháng (what?!) để hợp thức hóa giấy tờ, thu nhập từ cho thuê nhà và đất vì không thể chứng minh được thu nhập từ công ty.
(2) Bài viết kế hoạch học tập: quan trọng lắm, đừng đùa.
Dù đi theo diện CES hay không, thì bài viết kế hoạch học tập là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định cấp visa cho bạn. Riêng đối với diện CES không cần nộp chứng minh tài chính, thì quyết định hoàn toàn dựa vào kế hoạch học tập này.
Bạn phải tự viết bảng kế hoạch học tập, tư vấn viên chúng tôi chỉ hướng dẫn, không nhận viết hộ. Chỗ khác tôi không rõ thế nào, nhưng đây là quy tắc của bọn tôi. Cũng không có gì ghê gớm ở đây, bạn phải thể hiện được điểm mạnh và mục tiêu học tập của mình. Chính phủ Canada họ quan tâm nhiều đến việc học sinh chọn ngành học này sẽ làm được gì cho tương lai, có thật nghiêm túc muốn đi học hay không.
(3) Đừng sót bất cứ thứ gì có thể tăng điểm cho hồ sơ du học.
Trong quá trình làm nghề, bọn tôi thấy nhiều bạn thường bỏ sót điểm cộng từ hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt công ích, hoạt động thể thao, năng khiếu… Hồ sơ du học của bạn sẽ hoàn hảo nếu có thêm những mục này, thật đó. Nếu bạn có sẵn thì giữ lại. Nếu không có, thì về trường cũ xin lại giấy chứng nhận. Không cần là giấy khen, chỉ cần giấy chứng nhận có ghi thời điểm tham gia hoạt động, rồi đóng mộc đỏ cuả trường là okê rồi. Đừng ngại, nên làm, rất nên làm!
(4) Lộ trình du học thành công đến từ bản thân người học.
Bạn cần biết được sự thật là: việc du học không phải là vấn đề của lợi ích ngắn trước mắt, không phải là việc nghe theo lời cô/chú/dượng bên Canada, nghe lời đồn trên cái forum abc nào đó…
Mọi quyết định của bạn cần dựa trên kế hoạch lâu dài và mục tiêu cụ thể. Thông tin cần đến từ các nguồn uy tín, minh bạch, chớ không hứa hẹn, mơ hồ.
(5) Tại sao lại cần một tư vấn viên?
Nếu đã đọc cả bài viết này, bạn sẽ phát hiện là chúng ta cần một tư vấn viên để hỗ trợ xuyên suốt quá trình từ việc định hướng nghề, chọn trường chọn ngành phù hợp, lộ trình du học để có cơ hội định cư sau tốt nghiệp.
Những ưu điểm của một người tư vấn viên có kinh nghiệm:
– Hiểu rõ quá trình làm hồ sơ. Vì thế, các bước làm hồ sơ du học đều “mượt”, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
– Đã làm việc quen với phía trường học. Phía trường Canada cũng sẽ có nhiều chính sách ưu tiên hơn khi làm việc cùng công ty, so với cá nhân học sinh sinh viên.
– Nếu ở thời điểm hướng nghiệp bạn còn mơ hồ, khả năng chọn sai hướng đi sẽ rất cao. Tư vấn viên có kinh nghiệm, tâm huyết sẽ cung cấp những thông tin đúng đắn để hỗ trợ để bạn tự tìm được ngành nghề, trường học phù hợp.
– Nếu có người thân ở Canada rồi thì không cần tư vấn viên? Khá nhiều case dở khóc dở cười chỉ vì khách hàng của tôi có người thân ở Canada. Sự thật là thông tin của người thân này sẽ không đúng tuyệt đối, vì không phải là người có chuyên môn làm hồ sơ du học, chỉ phán theo quan điểm cá nhân, dễ khiến hồ sơ lằng nhằng mất thời gian, cuối cùng lại không đậu visa.
Okay. Cần một người tư vấn viên kinh nghiệm, tâm huyết. Vậy, tìm ở đâu?
Một số yếu tố giúp bạn đánh giá tư vấn viên/công ty dịch vụ:
– Đưa ra các tư vấn, các hướng đi có thể có trên cơ sở có sự so sánh, phân tích rõ ràng. Ví dụ: nếu nói “du học lương cao” thì người tư vấn nên nói rõ dựa vào thống kê nào? năm nào?
– Quy trình làm việc rõ ràng, tư vấn viên giải thích mạch lạc, logic, thể hiện sự am hiểu sâu sắc về hệ thống giáo dục, cơ hội nghề nghiệp.
– Cung cấp thông tin chất lượng từ nguồn chính thống của website trường, cơ quan chính phủ.
– Đưa ra các tư vấn khách quan kể cả khi có thể làm thay đổi quyết định đi du học của người học.