Thời đói khổ 1986-1987, tôi đang học Kỹ sư cơ khí Đại học Nông Lâm, ba má kêu tôi về Nha Trang để vượt biên cùng thằng em kế. Tôi nói, dạ thôi, để con ở lại Việt Nam. Em tôi vượt biên lần 2 thành công, và trở thành Việt kiều Canada.
Hồi 1999 tôi tốt nghiệp Cao học Quản trị kinh doanh từ UTS, là một Đại học trẻ, thực dụng hàng đầu của Úc. Với bằng MBA này cộng với 7 năm kinh nghiệm làm việc với ICI, Kodak thì cơ hội xin việc làm tại Úc lúc đó là không khó.
Bà xã tôi cũng tốt nghiệp Thạc sĩ Vi sinh từ UQ và UNSW. Hai chúng tôi chỉ cần về lại Việt nam làm việc hai năm theo quy định của AusAID – cơ quan cấp học bổng của chính phủ Úc – rồi quay lại Úc để làm việc và sinh sống.
Thế nhưng trong đầu tôi không có một chút ý định là sẽ qua Úc hay bất kỳ nước nào khác để làm việc sinh sống.
Tôi chỉ thích sống ở Việt Nam.
Đó là nơi tôi sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Đó là nơi tôi lớn lên, nhọc nhằn và hạnh phúc. Đó là nơi ba má tôi, phần lớn anh em, bạn bè tôi, những người tôi quen biết đang sinh sống.
(Tôi hoàn toàn không chê trách gì những người ra nước ngoài vì sự khác biệt về chính trị, vì một cuộc sống kinh tế tốt đẹp hơn, vì cơ hội tốt hơn cho con cái).
Việt Nam cũng là nơi của rất nhiều mâu thuẫn. Ở Việt Nam, tôi là công dân hạng 1, hoàn toàn không có ông Tây bà Đầm nào tự cho mình thuộc đẳng cấp ưu việt hơn tôi để có thể “ăn hiếp tôi”. Thế nhưng cũng ở quê hương Việt Nam, tôi hầu như không có cơ hội ứng cử và bầu cử để lựa chọn những người lãnh đạo đất nước.
Tôi tự cho mình là người yêu nước. Tuy vậy tôi không hài lòng, thậm chí bất mãn về 3 điều lớn của Việt Nam.
Điều thứ nhất là tôi không hài lòng với thể chế hiện tại của đất nước.
Chẳng có nước nào đã thành công với “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” cả. Tại sao chúng ta lại cố đi con đường mà chúng ta không biết rõ nó như thế nào, chừng nào tới?!
Điều thứ hai là tham nhũng.
Nước nào cũng có tham nhũng, nhưng không đâu như Việt Nam. Mấy năm nay, lãnh đạo, cán bộ tham nhũng, sai phạm xộ khám nhiều quá mức.
Điều thứ ba là sự giả dối.
Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, quan chức, trí thức, doanh nhân… sống với sự giả dối. Ai cũng biết rằng quyền lực, sự giàu có của họ đến từ sự lũng đoạn, sự tham nhũng. Vậy mà họ rao giảng đạo đức, lý tưởng như thật, cho đến khi họ bị lộ…
Xã hội chấp nhận sự giàu có của lãnh đạo, quan chức dù rằng lương và thu nhập chính thức của họ rất nhỏ. Xã hội chấp nhận bằng cấp của các trí thức dỏm. Xã hội vinh danh những doanh nhân lũng đoạn hệ thống miễn là họ giàu có, đại gia. Một sự giả dối bao trùm cả đất nước.
Tôi chưa hài lòng với 3 điểm lớn đó, và một số điểm khác. Nhưng tôi vẫn “kiên định” ở và sinh sống ở đất nước này.
Tôi sống và mong muốn Việt Nam tốt đẹp lên.
Tôi cũng chủ động có ý kiến đóng góp đất nước, mặc dù khá nhiều anh chị Dư luận viên nói rằng “Doanh nhân thì nên lo kinh doanh, đừng lo việc chính trị, xã hội”.
***
Tôi chỉ có một quốc tịch.
Thậm chí tôi còn hướng con trai tôi xin học bổng các trường Đại học hàng đầu ở các nước châu Á để gia đình dễ gặp nhau.
Tôi hoàn toàn không có 1 ý định, một kế hoạch nào về Quốc tịch thứ hai cả.
Thế thì tại sao, ông Phạm Phú Quốc, một quan chức của Đảng và Nhà nước, một đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân lại có quốc tịch thứ hai?
Ông Quốc là một trong những người được Đảng và Nhà nước phân công những nhiệm vụ quan trọng. Nếu ví đất nước là 1 con tàu lớn, thì ông Quốc là 1 trong những người được lái tàu.
Trong khi nhân dân chúng tôi, những hành khách ngồi yên đó, chờ kết quả lái tàu, thì ông Quốc đã chuẩn bị cho mình một con tàu thứ hai để ông bước qua. Hành động đó, còn có từ nào hay chính xác hơn là từ “phản quốc”.
Đã thế mà ông im lặng, để tiếp tục oai quyền với chức vụ của mình, tiếp tục đại diện nhân dân. Chỉ đến khi báo chí nước ngoài vạch trần, dư luận trong nước lên tiếng thì ông lại tiếp tục giở bài dối trá.
Ông nói gia đình bảo lãnh ông. Sự thật là hồ sơ xin cấp quốc tịch theo chương trình đầu tư nhận “hộ chiếu vàng” của Cyprus của ông và vợ là Nguyễn Phan Diệu Phương được Bộ Nội vụ Cộng hòa Cyprus thông qua (approved) ngày 12-12-2018.
Theo lệ thường, hồ sơ cần phải được xét duyệt trong 3 năm, nghĩa là ông bà đã nộp hồ sơ từ 2015.
Nguồn: Thông tin chi tiết hơn quá trình ông Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Cyprus
Ông Quốc phản quốc và dối trá thế mà ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Tp HCM, tuyên bố nên “tôn trọng lời thú nhận của ĐB” thì tôi cũng thấy thật là khó hiểu.
Tôi nhẩm tính tất cả các phí cho hồ sơ “đầu tư vàng” viết trong bài báo Tuổi Trẻ thì tổng tiền cũng phải 60 tỷ đồng. Mua quốc tịch đã là 60 tỷ, thì tài sản còn lại của ông hằn là một số rất lớn.
Ông Khuê nói với báo chí rằng “Bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm làm sao cho bằng được tiền của ĐB ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi euro để mua quốc tịch là không nên”.
Chắc là ông Khuê làm theo quy định thôi. Không thấy lỗi thì không truy. Chưa lộ thì xem như trong sạch!
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM trả lời báo chí
Nhưng dân chúng tôi thì “ức” lắm. Rất nhiều người đang suy diễn ông Quốc tham nhũng tiền của dân.
Ông Quốc thì nói rằng gia đình kinh doanh. Vậy ông Quốc hãy rửa tiếng dơ, hãy minh bạch cho bản thân đi.
Ông hãy đăng đàn, báo chí hay Facebook, để nói rõ số tiền đó nhà ông đã kinh doanh gì để tạo ra. Cho chúng tôi tên doanh nghiệp của gia đình ông, thì 5 phút sau cư dân Facebook sẽ cho biết ngay là tiền sạch hay tiền dơ. Ông Quốc dám không?
Với những quy định hiện hữu, chắc rồi ông Quốc sẽ thoát nạn, sẽ trở thành công dân Sip.
Nhưng đối với người dân chúng tôi, tư cách của những người phản quốc và dối trá như ông Quốc không đáng 1 đồng Việt Nam.
Sài gòn, 2/9/2020
Công dân Lâm Minh Chánh