Không biết từ hồi nào mà mấy ông già “nhất muối tiêu, nhì Việt Kiều” đổ đốn ra như vậy! Đêm nào như đêm nấy ôm cái máy chít chát, hễ động cái thì chuyển sang coi tin tức.

Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai.

Thưa cô Nguyệt Nga, mặc dù gần đây trên báo Người Việt có đăng vụ lừa tiền của một số thợ xây nhà, và đây đó trong bạn bè thân quen cũng có người bị những contructor lấy tiền rồi chạy mất, để lại công trình ngổn ngang. Cháu đọc những bài ấy và thường là rất ơ hờ vì nghĩ chẳng bao giờ mình rơi vào tình huống bị lừa gạt. Cháu an tâm với người thợ lâu năm thân tình của gia đình mình.

425 1 Nghi Nguoi Viet Khong Tot Chong Toi Khong Cho Con Noi Tieng Viet

Vậy mà, bỗng dưng một ngày đẹp trời, gia đình cháu điêu đứng với vụ “chạy làng” của anh contructor thân thiết. Tụi cháu rất buồn phiền nhưng biết làm sao, sau bao nhiêu cố gắng tụi cháu vẫn không sao liên lạc được với anh. Chuyện đã lỡ thì đành đi tới, vợ chồng cháu không nhìn lui để dày vò mình nữa. Tụi cháu tự đi mua vật liệu rồi kiếm người khác làm tiếp. Trong thời gian đi mua vật liệu, tụi cháu cũng gặp nhiều tình huống đắng cay. Cái đắng cay này và cái đắng cay mất tiền trước đó, cháu chẳng biết nỗi cay đắng nào lớn lao hơn.

Cách nay một tuần, vợ chồng cháu lên City để xin đổi tên trong giấy phép sửa nhà.

Người phụ trách hỏi lý do thay đổi tên người đứng giấy phép. Chúng cháu nói bị người contructor lấy tiền rồi bỏ việc. Người phụ trách hỏi tiếp: “Người Việt Nam phải không? Chuyện này đâu có lạ”. Chúng cháu không trả lời, chỉ cười cho qua chuyện. Ai ngờ ngày hôm sau đến một nơi bán đồ xây dựng, câu chuyện lại được lặp lại. Vì tụi cháu không rành nên trình bày hoàn cảnh và nhờ ông đứng bán hướng dẫn phải mua những gì.

Ông ấy nghe xong nói ngay: “Người bỏ chạy có phải người Việt Nam không?” Chồng cháu cười không trả lời. Thì ổng nói tiếp: “Có gì đâu mà e ngại, vợ tui cũng người Việt Nam mà”. Vợ chồng cháu ra về mà lòng buồn hiu. Người mình ăn ở sao mà để mang tiếng vậy? Sau lần đó, tụi cháu không đến tiệm Mỹ mua nữa, mà mua ở tiệm Việt Nam cho chắc ăn, khỏi bị nghe những lời như xát muối vào lòng mình.

Thêm một chuyện nữa, là từ ngày bị hai nơi nói như vậy, về nhà chồng cháu không cho đứa con nhỏ nói tiếng Việt nữa. Anh bắt cháu không được nói tiếng Việt với con. Cháu lên tiếng phản đối thì mặt chồng cháu cứ lầm lì lầm lì không nói gì. Thưa cô, tự nhiên chuyện nọ xọ chuyện kia, dây nhợ kéo giăng. Cháu chẳng biết làm sao nữa! Con cháu ở tuổi mới tập nói, nó đã nói rất giỏi tiếng Việt, vậy mà nay hễ nó mở miệng nói tiếng Việt là bố nó trừng mắt, nó đổi qua tiếng Mỹ ngay. Cháu thật không biết giải quyết thế nào chuyện này, thưa cô.

Kathy

*Góp ý của độc giả

-Mary Ng:

Thưa chị, chồng em cũng chẳng khác gì chồng chị. Ảnh cũng không cho mấy đứa con nói tiếng Việt, mà đó là chúng em đang ở nhà bà nội. Bà Nội thì bắt các cháu phải nói tiếng Việt, bà lý luận, đến tuổi tụi nhỏ đi học thì chẳng cần phải dạy tiếng Anh, vào lớp, cô giáo bạn bè nói tiếng Anh thì đương nhiên tụi nó sẽ giỏi tiếng Anh, cái đáng ngại là chúng sẽ dần dần không nhớ gì tiếng Việt cả. Bà nội ra sức dạy cháu tiếng Việt, nhưng cứ tối đến bố chúng lại gầm gừ khi nghe con nói tiếng Việt, và dạy chúng đổi lại câu đó bằng tiếng Anh, ảnh gằn từng tiếng một và bắt thằng nhỏ lặp lại. Bà nội ngoài kia nghe con trai như vậy thì chạy vào phòng mắng con. Vậy là gần như 2, 3 hôm lại xảy ra một trận chiến giữa hai mẹ con.

Em thì qua sau, nên chuyện em nói tiếng Việt với con cũng được gia giảm, nhưng anh ấy luôn cảnh cáo em phải lo mà học để nói tiếng Anh. Ảnh gọi Bolsa là “Khu tự trị” và nhất định không vào đó, mỗi lần thèm đồ ăn Việt thì phải đi “3 quãng đường” để tránh khu Việt Nam. Vì em mới qua nên em cũng tự ái dân tộc ghê lắm, nhưng phận mình còn đang chịu nhiều áp lực về giấy tờ nên em nhắm mắt qua truông, chứ nhiều khi tủi hổ lắm!

-Tim Ly:

Chuyện người xây nhà chạy làng là chuyện thường ngày ở huyện, ai mượn cô nhẹ dạ đưa tiền trước làm chi. Thật ra đôi khi người ta không có ý định giựt tiền, nhưng tại cô đưa tiền trước, rồi gặp lúc họ đang kẹt nên đành làm liều. Như trong thư cô cho biết thì người này là người đã từng làm việc với cô nhiều năm và được gia đình cô tin tưởng thương mến. Như vậy nhiều phần họ thấy cô dễ quá nên quơ quào càng. Thôi giờ mất rồi thì cũng không nên suy nghĩ nhiều về chuyện đó, mất tiền mà còn đau buồn vì mất tiền, nghĩa là ta đã mất đến hai lần, một lần tiền và một lần tình. Tôi biết nói vậy nhưng làm không dễ.

Còn chuyện chồng cô cư xử như vậy thì hơi quá đáng và nói cho cùng thì chỉ thiệt thòi cho con cô thôi. Vì nếu cứ để cháu nói tiếng Việt ở nhà, lên trường nói tiếng Mỹ, thì cháu sẽ thông thạo hai ngôn ngữ, chỉ có lợi cho cháu chứ không làm hại gì cả. Chồng cô giận cá chém thớt mà lại chém ngay trên con mình thì quá xá là dại. Phần cô, theo tôi, ảnh đang giận thì thôi kệ ảnh, cứ nhắm mắt từ từ rồi cơn giận qua đi, lại dạy cháu tiếng Việt thêm vào. Thật mong cô và gia đình trở lại những ngày vui vẻ.

-Bà Thím:

Chồng cô người ngoại quốc há!

*Vấn đề mới

Thưa cô Nguyệt Nga, tuần nào tôi cũng mong Thứ Tư để coi mục của cô. Sau này tôi khám phá ra nếu mình lên online, mình có thể đọc được sớm hơn. Thích lắm, nhất là những câu góp ý của quý độc giả, nhiều người góp ý hay và diễu diễu, khiến mình đọc mà thấm ý cười hoài.

Hồi nào giờ đọc của người ta, nay thì mong đọc góp ý cho chuyện của mình.

Tôi bỏ nhà đi cả tuần nay, vì xích mích với chồng. Thật ra tôi không có tính đó, còn ghét nữa là khác, cứ nghĩ nhà mình, mình ở mắc mớ chi bỏ đi, ai có lỗi thì ra khỏi nhà, chớ mình lỗi gì mà phải ôm đồ đi ngủ lang. Vậy mà chịu không nổi cô ơi, thấy cái bản mặt ổng là chịu không nổi. Sao khi xưa, cái hồi mê nhau thì nghe giọng nói cũng ấm lòng, nghe bước chân đi cũng rộn rã. Vậy mà nay sao mở miệng nói câu gì cũng muốn gây hết. Ngày xưa hít hít cái mùi mồ hôi, mà biết là nó thúi lắm đó, nhưng lại thương không biết để đâu cho hết, cứ ôm mà hít lấy hít để, mà nay sao vẫn cái mùi đó mà nó vừa nặng vừa chua chịu không thấu, nằm bên cạnh nhức đầu nhức óc… Sao kỳ vậy, lòng mình thay đổi hay những gì nơi họ đổi thay?

Thật ra tôi cũng không phải là một mụ vợ quá quắt, chằn ăn. Nhưng mà nói chung là tôi quá bực ông chồng.

Ông chồng tôi cũng không ngoài cái bịnh “Muối tiêu-Việt kiều”, tôi quá bực mình. Già rồi, chẳng còn gì nữa mà ghen với tương, nhưng cũng vì già rồi, con cái đùm đề nên càng phải giữ.

Ổng ghi tên đi học ở Golden West, lấy mấy cái lớp tiếng Việt và vài lớp gì đó. Mục đích của ổng đâu phải học hành gì, mà chính là để lấy tiền Financial Aid, mỗi năm cũng được mấy ngàn, ổng dùng tiền đó để về vung vẩy với mấy em “móng đỏ” ở Việt Nam. Ổng làm vậy mà làm sao dạy con cái, lòng tự trọng của ổng ở đâu mà lấy tiền học để phục vụ cho mưu đồ cá nhân. Tôi thật sự chán ổng. Lần này tôi bỏ nhà đi trước hôm ổng về Mỹ một ngày. Tôi ghét phải giáp mặt ổng.

Tôi ở nhà bạn hơn tuần nay, dù là bạn đã để tôi ở một phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, nhưng tôi nhớ nhà quá! Tôi muốn về nhà mình quá, nhưng lại thấy mắc cỡ, vì ổng về nhà không thấy tôi cả tuần thế mà ổng chẳng thèm gọi phone hay đi tìm. Chẳng lẽ vì thế mà tôi phải đi luôn, chẳng lẽ vì thế mà tôi phải nói với bạn để cho tôi ở dài hạn. Tôi phần quê với bạn, phần quê với các con.

Thưa cô Nguyệt Nga, tình cảnh tôi như vậy, giờ làm cách nào để tôi có thể “danh chánh ngôn thuận” về lại nhà đây. Thưa cô?

 


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài