Khi người Việt xa xứ gia nhập ngành công nghiệp làm đẹp của nước sở tại với dịch vụ làm móng (nail) có tay nghề cao cộng giá bình dân đã thu hút lượng khách đông đảo.
Dịch vụ làm móng của người Việt ban đầu chỉ mang tính gia đình, nhưng từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20 trở lại đây, đã phát triển rất mạnh ở Mỹ, Canada, Anh, Australia…
“Tôi rất thích đến các tiệm làm móng của người Việt vì không khí phục vụ ở đây thân thiện, nhiệt tình và đặc biệt giá cả phải chăng. Chỉ mất 15 USD là tôi có thể sửa bộ móng tay, chân”, Linda, một lao động thu nhập thấp ở hạt Tulsa (California), cho biết.
Những con số biết nói Hannah Lee, Tổng biên tập Nails Magazine đánh giá, ở Mỹ, người Việt đã chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm móng. Hiện, gần 50% cơ sở làm móng tại sử dụng lao động gốc Việt hoặc do người gốc Việt làm chủ; khoảng 43% số người làm móng là người Việt và con số này ở bang California lên tới 80%. Tính riêng tại Florida, người Việt sở hữu 62% trong tổng số gần 2.000 mỹ viện về móng có đăng ký hoạt động.
Thu nhập bình quân của một người làm móng là 35.000 USD một năm, còn người mới vào nghề dao động từ 20.000-25.000 USD. Theo số liệu thống kê khắp Canada, hiện có 14.836 tiệm làm tóc và làm móng, trong đó, hơn 50% thuộc sở hữu của người Việt. Còn tại Anh, 80% các cửa hiệu làm móng ở thủ đô London do người Việt làm chủ.
Chị Nguyễn Thị Hà, quê Hải phòng, hiện là chủ tiệm Nail Spa ở London, cho biết: “Gia đình tôi gồm 4 nhân khẩu đều sống nhờ vào nghề này. Chúng tôi thuê 4 nhân công và làm việc 14 giờ mỗi ngày. Mỗi bộ móng, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng, có giá từ 15-60 USD. Hằng tháng, trừ tất cả các khoản chi, chúng tôi thu lãi khoảng 6.000 – 8.000 USD”.
Ông Nguyễn Tin, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật viên Việt Nam về móng (Vietnamese Nail Care ProfessionalAssociation) có trụ sở tại Modesto, California, cho biết:
“Nghề làm móng giúp người Việt ít phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, một trở ngại không nhỏ trên con đường mưu sinh nơi đất khách. Nếu không có ngành dịch vụ này, nhiều người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc phải chấp nhận những công việc nặng nhọc với mức lương thấp”. Khá giả nhờ dịch vụ làm móng So với các nghề khác, làm móng được coi là nghề khá nhẹ nhàng với người Việt xa xứ.
Tại Mỹ, doanh nhân gốc Việt Quy Charlie Tôn đang là chủ của “tập đoàn” làm móng quy mô lớn Regal Nails, có 913 cơ sở nhượng quyền thường đặt trong các siêu thị Wal-Mart và 99% cơ sở này do người gốc Việt làm chủ. Chưa kể, ông Quy còn quản lý Công ty Alfalfa Supply and T4 Spa chuyên sản xuất hầu hết những gì mà cơ sở làm móng sử dụng.
Trong khi đó, hồi tháng 10 vừa qua, tờ The Star của Canada đưa tin, vợ chồng Joey Pham và Sue Ann Phung đang được mệnh danh là triệu phú sở hữu một hệ thống cung cấp cơ sở làm móng mang tầm cỡ quốc gia, có trụ sở tại thành phố Mississauga.
Năm 2003, anh Joey Phạm khởi nghiệp từ một tiệm làm móng ở thành phố Pickering thuộc tỉnh Ontario, với vốn 20.000 CAD.
Đến nay, công ty phân phối của anh Pham đang cung cấp những tiệm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp với đầy đủ dịch vụ, viện làm tóc và tiệm làm móng khắp Canada; cũng như làm dịch vụ tư vấn thành lập cơ sở làm móng, với doanh thu 5 triệu CAD mỗi năm (tương đương khoảng 86 tỷ đồng). “Nghề làm móng bây giờ đang sống khỏe vì nhu cầu của người bản xứ rất lớn. Chúng tôi hy vọng doanh thu từ nghề này sẽ tăng gấp đôi trong vài năm nữa”, chị Sue Ann Phung nói.