Cả nhà tôi vào công viên ở Ottawa, trời thu lạnh nên tôi đốt vài tờ thấy mang theo cho ấm, khoảng 3 phút sau, xe cảnh sát ập đến.

Mấy viên cảnh sát xuống xe, đề nghị chúng tôi dập lửa và cho biết không được phép đốt lửa ở đây. Tôi dập ngay mớ giấy đang cháy dở và chợt nhận ra khu vực công viên này không có các bếp sắt dùng để nướng BBQ. Không phải công viên nào cũng có các bếp này, nếu không có nghĩa là không được phép đốt.

Khi nhìn những tấm ảnh không khí miền Bắc ô nhiễm vào những ngày này, tôi nhớ đến một hình ảnh quen thuộc đã đi vào văn chương từ xưa: khói đốt đồng. Mùa đốt đồng đã đi vào những áng văn của rất nhiều tác giả có sự gắn bó với nông thôn miền Bắc, mùi hương khói đốt đồng chất đầy kỷ niệm thời gian trong những trang viết tạo thành hình ảnh hoài niệm khôn nguôi về miền quê yêu dấu.

Nhưng ngày xưa ít dân, đồng rộng thẳng cánh cò bay, khói ngày xưa cũng khác khi đồng ruộng chưa dùng nhiều thuốc sâu, thuốc diệt cỏ. Bây giờ, đất chật người đông, khói đốt đồng đồng nghĩa với ô nhiễm mịt mù lan xa khắp nơi. Chỉ cần mỗi nhà nông đốt năm tạ rơm rạ thì hai triệu nhà nông đã đốt tới một triệu tấn, đưa bao nhiêu bụi mịn lên bầu trời, phủ mờ các thành phố gần kề. Thực tế, con số rơm rạ được đốt trên toàn Miền Bắc còn lớn hơn thế rất nhiều. Giá mà lượng rơm rạ đó được tập trung lại, ủ vi sinh, làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân thay vì đốt cháy đồng loạt, gây ô nhiễm môi trường.

425 1 Toi Bi Canh Sat Canada Hoi Tham Vi Dot Giay Trong Cong Vien

Đi ngang qua các trang trại nông nghiệp ở Canada, không bao giờ tôi thấy cảnh người nông dân đốt cỏ hay rơm rác. Các phần cây ngô sau thu hoạch được cuộn lại thành từng cuộn lớn trên cánh đồng, dùng làm thức ăn cho bò hoặc ủ làm phân bón. Có lẽ người Việt mình có thói quen hay đốt, ngay cả bản thân tôi dường như cũng mang theo "văn hoá đốt" ấy khi ra nước ngoài sinh sống. Có những khi quét lá khô rụng ngoài sân thành một đống, tôi định châm lửa đốt thì chợt nhớ rằng ở Canada không được phép đốt lá khô, mà phải đi mua bao giấy về gom vào cho công nhân vệ sinh đến chở đi. Vì không ai đốt nên không khí ở đây rất trong lành.

Ở Việt Nam, mọi người thường hay đốt rác. Bữa trước, có người vì đốt rác mà gây ra cháy rừng ở Nghệ An. Thật ra, đốt rác tiện vì sạch đất. Nhưng đi cùng với đó là bao nhiêu thứ độc hại trong rác cháy bay thẳng lên trời, cho ta hít vào phổi, luẩn quẩn trong không trung và đọng lại đâu đó. Chúng ta đã bỏ được thói quen đốt pháo gây bao tai nạn đáng tiếc, nhưng vẫn còn vấn đề đốt vàng mã chưa thể dẹp bỏ. Nhiều người cho rằng văn hoá đốt vàng mã đem lại một cảm giác cân bằng tinh thần nào đó. Nhưng thử tính toán lượng giấy làm vàng mã và đốt vào ngày rằm, mùng một, lễ tết... chắc chắn bạn sẽ phải kinh ngạc về sự lãng phí và mức độ gây ô nhiễm của nét văn hoá này. 

Hãy tưởng tượng không khí là ngôi nhà chung, mong manh, trong suốt của chúng ta, những gì ta cần làm là cố gắng giữ cho mái nhà chung ấy luôn sạch. Vì thế, người Việt, xin đừng đốt!


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài