Châu Âu đang tích cực thảo luận về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn chiến tranh sau khi đạt được hòa bình.
Tuy nhiên, theo Franz-Stefan Gadi, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, điều này chỉ có ý nghĩa nếu lực lượng được triển khai là một đội quân mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu, thay vì chỉ là các nhà quan sát trung lập.
Ông nhấn mạnh rằng, trong ba năm qua, châu Âu đã không đưa ra những quyết định đủ mạnh để hỗ trợ Ukraine, và giờ đây, họ mới nhận thức rõ rủi ro nếu Nga giành chiến thắng.
Theo ông, bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào chỉ mang tính biểu tượng sẽ không đủ sức ngăn chặn Nga vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Chỉ có một lực lượng hùng mạnh, có khả năng chống trả và bảo vệ vị trí của mình mới có thể đẩy lùi nguy cơ tấn công mới từ quân đội Nga.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở việc Nga khó có khả năng chấp nhận một lực lượng NATO lớn xuất hiện tại khu vực phân giới. Đồng thời, lực lượng gìn giữ hòa bình thông thường của Liên hợp quốc cũng không đủ sức răn đe.
Franz-Stefan Gadi đề xuất một giải pháp kết hợp: lực lượng gìn giữ hòa bình trung lập từ các quốc gia phía Nam bán cầu tuần tra khu phi quân sự dọc theo đường ngừng bắn, trong khi một lực lượng phản ứng nhanh mạnh mẽ từ châu Âu được triển khai sâu hơn trong lãnh thổ Ukraine. Điều này có thể khiến Nga dễ chấp nhận hơn, bởi không có sự tham gia trực tiếp của quân đội Mỹ và Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO.
Theo tính toán, châu Âu cần ít nhất 5 lữ đoàn (25.000-30.000 binh sĩ), nhưng để đảm bảo luân chuyển, tổng lực lượng cần thiết có thể lên tới 75.000-90.000 quân, chưa kể nhân sự hỗ trợ. Đây là một thách thức tổ chức lớn, bao gồm cả việc triển khai và rút quân, cũng như tăng cường lực lượng Mỹ tại Tây Âu để bù đắp cho sự điều chuyển lực lượng châu Âu sang phía đông.
Franz-Stefan Gadi cảnh báo rằng, chiến dịch này sẽ không giống việc triển khai lực lượng tại Afghanistan hay Iraq. Châu Âu phải chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn, khốc liệt với Nga, thay vì các chiến dịch chống phiến quân. Điều này đòi hỏi kế hoạch ứng phó với các hành động khiêu khích, từ phá hoại đến tấn công tên lửa, có thể gây thương vong cho lực lượng châu Âu.
Lực lượng triển khai cần bao gồm cả bộ binh, xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, hệ thống phòng không, thiết bị tác chiến điện tử và máy bay chiến đấu.
Cuối cùng, ông đặt câu hỏi: liệu các quốc gia châu Âu có đủ quyết tâm đối mặt với thách thức này hay không, thay vì tiếp tục chỉ “lịch sự yêu cầu” Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng lại như hiện nay.