UBND tỉnh Kiên Giang đã có đề án sáp nhập nhiều cơ quan, đơn vị để phục vụ người dân tốt hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 4-1, nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết UBND tỉnh Kiên Giang đã ký đề án "Sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh".
Theo đề án này, các cơ quan không thuộc diện hợp nhất, sáp nhập gồm các sở: Du lịch, Tư pháp, Văn hóa và Thể thao và Thanh tra tỉnh Kiên Giang. Bốn cơ quan này sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong sẽ giảm 5 đầu mối.
6 sở, ngành ở Kiên Giang sáp nhập ra sao?
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính tỉnh Kiên Giang sẽ có 10 phòng chuyên môn. Sở có 1 giám đốc, 6 phó giám đốc. Số lượng biên chế công chức dự kiến là 106 người, giảm 8 biên chế công chức.
Sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng sẽ trở thành Sở Xây dựng và Giao thông (tên tạm gọi) có 11 phòng chuyên môn. Sở có 1 giám đốc và 6 phó giám đốc. Số lượng biên chế công chức dự kiến bố trí là 127 người, giảm 7 biên chế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáp nhập với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có tên tạm thời là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Sở có 6 phòng chuyên môn; có 1 giám đốc và 7 phó giám đốc. Biên chế công chức dự kiến của 2 sở là 291 người, giảm 7 biên chế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáp nhập với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ có 1 giám đốc và 7 phó giám đốc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Sở Khoa học và Công nghệ sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Sau khi sáp nhập, sở có 6 phòng chuyên môn; có 1 giám đốc và 4 phó giám đốc. Biên chế công chức dự kiến bố trí 51 biên chế, giảm 2 biên chế.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào Sở Nội vụ sẽ thành Sở Nội vụ và Lao động, có 8 phòng; 1 phòng chuyên môn; 1 chi cục và tương đương; 4 đơn vị sự nghiệp. Sở có 1 giám đốc và 4 phó giám đốc. Có 8 cấp trưởng, giảm 1 và 14 cấp phó.
Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp nhận một phần từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh vào bộ máy hiện tại. Sở Công Thương tỉnh sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường.
Sau khi hợp nhất, Văn phòng UBND tỉnh có 10 phòng chuyên môn và tương đương; 2 chi cục và tương đương. Văn phòng mới có 1 chánh văn phòng UBND tỉnh và 5 phó chánh văn phòng. Dự kiến có 11 cấp trưởng và 17 cấp phó. Số lượng công chức dự kiến bố trí là 81 người, giảm 9 biên chế công chức.
Sau khi sáp nhập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp có 8 phòng chuyên môn, giảm 1 phòng.
Các sở, ngành sau khi hợp nhất hoặc không hợp nhất cũng phải thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong đảm bảo giảm tối thiểu 15% đầu mối tổ chức bên trong.
Dư 6 giám đốc sở, hàng chục trưởng phòng
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào Sở Nội vụ có tên là Sở Nội vụ và Lao động - Ảnh: BỬU ĐẤU
Sau sáp nhập, đối với đơn vị hành chính thuộc UBND tỉnh Kiên Giang giảm 6 đơn vị, còn lại 14 đơn vị. Số lượng phòng chuyên môn giảm 7 phòng chuyên môn và tương đương, còn lại là 95 phòng; giảm 2 chi cục và tương đương, còn lại 16 chi cục và tương đương.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, giảm 2 đơn vị, còn lại 8 đơn vị. Số lượng đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cơ quan chuyên môn giảm 7 đơn vị, còn lại 116 đơn vị.
Số lượng hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, sau sắp xếp dự kiến giảm 3 đơn vị, còn lại 14 đơn vị. Số lượng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giảm 29 phòng chuyên môn, còn lại 136 phòng. Đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện giảm 6 đơn vị, còn lại 596 dơn vị.
Dự kiến sau sắp xếp còn lại 34 biên chế chưa bố trí so với biên chế được giao năm 2024, thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế năm 2025 giảm 10 biên chế, còn lại 24 biên chế đưa vào dự phòng của tỉnh để bố trí lại phù hợp.
"Đối với lãnh đạo cấp sở, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí, sắp xếp công tác khác đối với 6 giám đốc sở, 1 hiệu trưởng trường cao đẳng và bố trí bổ sung 1 phó trưởng ban. Đối với lãnh đạo cấp phòng dôi dư, đề nghị giao lãnh đạo các sở bố trí theo quy định", văn bản nêu.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ đề án này phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề án hợp nhất, tiếp nhận trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định gửi về Sở Nội vụ chậm nhất ngày 10-1.
BỬU ĐẤU
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online