Các nhóm vũ trang nổi dậy đã liên minh với nhau để lật đổ ông Assad, nhưng sự đoàn kết này có thể không kéo dài lâu, nguy cơ đẩy Syria vào hỗn loạn.

Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad được xem là cú sốc đối với khu vực Trung Đông. Chỉ chưa đầy hai tuần, liên minh các nhóm vũ trang chống chính phủ đã đánh vào loạt thành phố lớn Syria và chiếm thủ đô Damascus, buộc ông Assad phải rời khỏi đất nước.

Liên minh do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn dắt đã làm được điều mà nhiều nhóm nổi dậy trước đây không làm được trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 14 năm qua ở Syria. Hình ảnh các tay súng ăn mừng chiến thắng xuất hiện trên khắp Syria, trong khi nhiều người dân cũng bắt đầu nghĩ tới một tương lai mới cho đất nước.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo việc chính phủ của ông Assad sụp đổ quá chóng vánh có thể để lại lỗ hổng quyền lực lớn, khiến Syria rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng nếu HTS không thể kiềm chế được các nhóm thành viên trong liên minh vốn rất lỏng lẻo của mình.

"Thật khó để thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ và nhanh chóng. Tốc độ thực hiện cùng những bất ổn có thể gây ra nhiều rủi ro cho những gì sắp tới, liên quan tới trách nhiệm giải trình cùng việc bảo vệ lợi ích của người dân Syria", Sanam Vakil, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại viện nghiên cứu Chatham House ở London, nói.

1 Nguy Co Syria Chim Vao Hon Loan Sau Khi Chinh Quyen Assad Sup Do

Các tay súng ăn mừng chiến thắng tại thành phố Homs, Syria ngày 8/12. Ảnh: AFP

Ông Assad đã cai trị Syria trong gần một phần tư thế kỷ, trong đó có nhiều năm đất nước chìm trong xung đột. Nội chiến, khủng hoảng kinh tế đã khiến hàng triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài.

Liên minh các lực lượng nổi dậy Syria ngày 8/12 cho rằng cần 18 tháng để "thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn" trước khi tổ chức bầu cử để người dân chọn ra lãnh đạo mới. Đây được đánh giá là quãng thời gian tiềm ẩn nhiều bất ổn nhất với quốc gia Trung Đông này, khi các phe phái cùng những thế lực nước ngoài hậu thuẫn họ bắt đầu "phân chia miếng bánh".

"Có thể hiểu được tại sao nhiều người Syria xem đây là thời điểm để ăn mừng. Nhưng cũng có những lo ngại về những gì sắp tới", Lahib Higel, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu ở Brussels, nói.

Giới quan sát cho rằng có rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải vào lúc này. Câu hỏi cấp bách nhất có lẽ là liệu phe nổi dậy có thể đảm bảo an ninh ở thủ đô và ngăn chặn tình trạng hỗn loạn khi đất nước đang trong khoảng trống quyền lực.

Các nhà phân tích cũng chưa rõ kế hoạch của liên minh nổi dậy sau khi lật đổ ông Assad là gì. Liên minh có thể mở rộng quyền kiểm soát toàn bộ đất nước nhanh tới mức nào hoặc liệu họ có tiếp tục đoàn kết sau khi đạt mục tiêu chung là lật đổ chính phủ ông Assad hay không.

Một câu hỏi khác đặt ra là liệu chính phủ mới sẽ cân bằng lợi ích cạnh tranh giữa các lực lượng kiểm soát lãnh thổ Syria như thế nào, cũng như họ có thể nối lại dịch vụ dân sự, nhiệm vụ cơ bản và tối cần thiết đối với bất kỳ nhà nước nào hay không.

Bà Higel cho biết tình hình hiện tại ở Syria có thể được so sánh với Iraq năm 2003, khi lực lượng Mỹ chấm dứt chế độ cai trị lâu dài của ông Saddam Hussein. Sự lạc quan ban đầu về tiến trình dân chủ trong hòa bình nhanh chóng trở nên tồi tệ. Nạn cướp bóc hoành hành khắp thủ đô Baghdad, bất ổn và bạo lực gia tăng, cuối cùng dẫn tới cuộc nội chiến giáo phái tàn khốc.

Trong chiến dịch lật đổ chính phủ ông Assad, HTS nổi lên là lực lượng mạnh nhất, nhưng họ cũng phải phối hợp với các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cùng một số nhóm nổi dậy khác.

Ahmed Hussein al-Shara, thủ lĩnh HTS, đã điều hành một nhóm vũ trang theo hệ tư tưởng Hồi giáo dòng Sunni bảo thủ và khá cứng rắn ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria. Tuy nhiên, Higel lưu ý ông này cũng thể hiện sự khoan dung đối với các nhóm tôn giáo và dân tộc khác ở những khu vực mà HTS giành quyền kiểm soát.

"Đó có thể là những dấu hiệu tích cực, nhưng liệu điều này có được duy trì hay không?", bà Higel đặt câu hỏi.

"Thử thách thực sự sẽ đến khi các phe phái tìm cách chia nhau chiến lợi phẩm của chiến thắng quyền lực", Andrew England, nhà phân tích của FT, cảnh báo.

Ngoài nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột nội bộ của liên minh nổi dậy, nhiều nhà phân tích cũng lo ngại nguy cơ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm từng kiểm soát khu vực rộng lớn ở miền bắc và đông bắc Syria, sẽ lợi dụng tình hình hỗn loạn để trỗi dậy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lực lượng nước này đã tiến hành các cuộc không kích vào mục tiêu của IS ở Syria cuối tuần qua, chỉ vài giờ sau khi chính phủ ông Assad sụp đổ. Mỹ đang duy trì khoảng 900 binh sĩ đồn trú tại Syria nhằm ngăn IS trỗi dậy.

"Chúng tôi hoàn toàn hiểu thực tế rằng IS sẽ cố gắng lợi dụng khoảng trống này. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra", ông nói.

Syria còn có lực lượng do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS. Nhóm này kiểm soát một vùng rộng lớn ở đông bắc Syria.

2 Nguy Co Syria Chim Vao Hon Loan Sau Khi Chinh Quyen Assad Sup Do

Lực lượng chống chính phủ bảo vệ các thùng tiền sau khi ngăn những kẻ hôi của bên ngoài ngân hàng trung ương ở Damascus ngày 8/12. Ảnh: AFP

Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cũng như các nước Arab đều đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo ở Syria, lo ngại nguy cơ hỗn loạn ở quốc gia này có thể làm suy yếu lợi ích của họ trong khu vực.

Đối với Nga, Syria là điểm trung chuyển quan trọng cho các hoạt động quân sự của Moskva ở Trung Đông và châu Phi. Iran xem Syria là biểu tượng quan trọng cho khả năng phô trương sức mạnh ở nước ngoài, cũng như để bố trí lực lượng gần đối thủ không đội trời chung Israel.

Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích ở Syria trong cuộc chiến chống Hezbollah và các lực lượng dân quân đồng minh mà Tehran hậu thuẫn, nhằm chặt đứt tuyến tiếp tế vũ khí từ Iran tới Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hậu thuẫn các nhóm vũ trang ở Syria, nhằm tăng thêm quyền lực và ảnh hưởng ở Trung Đông.

Nga và Iran từng giúp chính phủ ông Assad dập tắt cuộc nổi dậy năm 2015, nhưng giới quan sát cho rằng hai nước đều không thể hoặc không muốn can thiệp lần này, do đang vướng bận vào chiến sự Ukraine và xung đột với Israel.

"Chúng ta có thể thấy một chiến thắng lớn, nhanh chóng của liên minh các nhóm nổi dậy, nhưng sau khi họ đạt được mục tiêu, rắc rối sẽ bắt đầu", một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu về Syria nói.

Thùy Lâm (Theo WSJ, FT, Washington Post)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài