Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng Jeju Air ở sân bay quốc tế Muan, tỉnh Nam Jeolla sáng 29-12-2024 - Ảnh: YONHAP
Sáng 29-12, chiếc máy bay của hãng Jeju Air khi trở về từ Thái Lan đã gặp nạn tại sân bay quốc tế Muan, cướp đi sinh mạng của ít nhất 120 hành khách tính đến thời điểm này, mặc dù các quan chức cứu hỏa Hàn Quốc cho rằng có thể đã có 179 người thiệt mạng, ngoại trừ 2 tiếp viên được cứu sống.
Từng rất nỗ lực cải thiện an toàn
Đây là vụ tai nạn máy bay thương mại đầu tiên ở Hàn Quốc trong vòng 11 năm qua, phá vỡ chuỗi an toàn nhiều năm từ sau sự cố hạ cánh của Asiana Airlines tại San Francisco vào năm 2013, theo báo Korea Herald.
Trong thập niên 1980 và 1990, hàng không Hàn Quốc từng trải qua những vụ tai nạn thương tâm.
Theo các báo cáo ngành hàng không, chỉ riêng thập niên 1980 đã ghi nhận 6 vụ tai nạn máy bay thương mại, cướp đi sinh mạng của khoảng 481 người. Thập niên 1990 tiếp tục chứng kiến 9 sự cố, gây ra khoảng 296 cái chết.
Trước tình trạng đó, Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt cải cách nhằm cải thiện tiêu chuẩn an toàn.
Từ cuối thập niên 1990, các hãng hàng không lớn như Korean Air đã hợp tác với các chuyên gia từ Boeing và Delta Air Lines để nâng cao kỹ thuật vận hành và đào tạo phi hành đoàn.
Những nỗ lực này đã giúp Hàn Quốc cải thiện thứ bậc xếp hạng về an toàn hàng không theo đánh giá của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vào năm 2001 và vượt qua đợt kiểm tra của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vào năm 2005.
Những tín hiệu đáng lo ngại
Mặc dù đã có những cải tiến đáng kể, ngành hàng không Hàn Quốc vẫn đối mặt với các sự cố trong những năm gần đây dù không gây chết người, đặc biệt từ khi các hãng hàng không giá rẻ mở rộng hoạt động mạnh mẽ.
Từ năm 2002 đến 2023, theo thông tin trên trang web Air Portal (do Bộ giao thông và Hiệp hội hàng không Hàn Quốc cùng vận hành), quốc gia này ghi nhận tổng cộng 23 sự cố liên quan máy bay thương mại.
Các sự cố đáng chú ý liên quan đến các hãng bay giá rẻ đã tạo ra mối lo ngại về chất lượng bảo trì và vận hành.
Vào tháng 12-2015, ba hãng hàng không giá rẻ là Jeju Air, Eastar Jet, và Air Busan đều gặp sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, bao gồm: sự cố giảm áp suất đột ngột, phát hiện lỗi cơ khí ngay trước khi cất cánh, và hủy chuyến vì hệ thống thủy lực nội bộ.
Vào tháng 1-2016, một chuyến bay của Jin Air đã phải quay trở lại ngay sau khi cất cánh do cửa máy bay không được đóng đúng cách.
Gần đây hơn, vào ngày 25-10-2019, một chuyến bay của Jeju Air đang hướng đến Gimpo (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), đã phải quay lại do trục trặc phần mềm. Ngày hôm sau, một máy bay của T'way Air đã phải hủy cất cánh do hỏng lốp.
Các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay chết người ở Muan, với nghi ngờ ban đầu là do va chạm với chim, dẫn đến sự cố hỏng hóc của hệ thống càng hạ cánh.
Mặc dù sự cố va chạm với chim xảy ra hàng ngàn lần mỗi năm trên toàn thế giới, nhưng hầu hết các vụ va chạm này gây ra ít hoặc không gây thiệt hại cho máy bay.
Tuy nhiên, nếu được nhà chức trách khẳng định, vụ việc này sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hàng không Hàn Quốc có trường hợp tử vong của hành khách liên quan đến sự cố va chạm với chim.
Các vụ va chạm với chim gần đây ở Hàn Quốc bao gồm một sự cố vào tháng 1-2022, trong đó một máy bay chiến đấu F-35A tại căn cứ Không quân Seosan đã phải hạ cánh bằng bụng do một con đại bàng nặng 10 kg bị hút vào ống nạp khí bên trái, gây hư hại nghiêm trọng bên trong máy bay.
Đầu năm nay, một chuyến bay chở khách của hãng T'way Air khởi hành từ sân bay quốc tế Narita của Nhật Bản đã gặp phải sự cố va chạm với chim ngay trước khi hạ cánh tại sân bay Incheon.
D. KIM THOA
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online