Bước sang năm 2025, nền kinh tế châu Âu vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh bất ổn chính trị trong nước và các sự kiện toàn cầu gia tăng, chẳng hạn như cảnh báo thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump và tình hình kinh tế của Trung Quốc. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu suất thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ôtô và tài chính–ngân hàng.
Thị trường chứng khoán châu Âu trong năm 2024 hoạt động kém hiệu quả hơn so với các thị trường chứng khoán khác, đặc biệt là Phố Wall. Một số yếu tố góp phần vào xu hướng này, bao gồm bất ổn chính trị, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc yếu và căng thẳng địa chính trị kéo dài.
Thách thức dự kiến sẽ vẫn tồn tại trong năm 2025, với hai sự kiện toàn cầu quan trọng đóng vai trò then chốt: Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump và quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong phạm vi nội khối, tình trạng bất ổn chính trị của Đức và Pháp sẽ vẫn là một lực cản đáng kể đối với tâm lý thị trường.
Cảnh báo thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Triển vọng kinh tế châu Âu gắn liền với thị trường toàn cầu và nhiều công ty châu Âu phụ thuộc phần lớn vào doanh thu quốc tế. Điều này khiến các mức thuế quan được đề xuất của ông Trump trở thành mối quan ngại lớn, đặc biệt là đối với Đức - nền kinh tế “đầu tàu” của lục địa già.
Hồi tháng 11/2024, ông Trump đã công bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Canada và Mexico, áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, ngay sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. Mặc dù chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo thuế quan cụ thể nào nhắm vào Khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô châu Âu đã trải qua một đợt bán tháo mạnh vào ngày công bố thông tin, nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp châu Âu trước rủi ro thương mại toàn cầu.
Nếu Mỹ tiến hành áp thuế đối với hàng hóa châu Âu, ngành sản xuất ôtô có thể nằm trong số những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do phải chịu áp lực từ cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và nhu cầu chưa cao ở Trung Quốc, ngành công nghiệp ôtô châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái ngày càng trầm trọng.
Chỉ số chứng khoán chuyên về ôtô và các phụ tùng liên quan của châu Âu (Euro Stoxx Automobiles & Parts) ước giảm khoảng 13% trong năm 2024, khiến cho ngành ôtô trở thành một trong những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả nhất trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu. Đáng chú ý, cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô Đức, bao gồm Mercedes-Benz, Porsche, Volkswagen và BMW, đã giảm từ 13% đến 25% trong năm 2024.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc
Nhu cầu tiêu dùng chưa cao như dự kiến của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng đã hạn chế hiệu suất của thị trường châu Âu trong năm 2024, đặc biệt là ở các cổ phiếu của những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng cao cấp.
Ông Michael Brown, chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone London, cho biết chính nhu cầu tiêu dùng chưa cao từ thị trường lớn nhất thế giới đã hạn chế đà tăng trưởng của chứng khoán châu Âu. Thông tin tích cực là Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" lần đầu tiên trong 14 năm, kết hợp với chính sách tài khóa chủ động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025. Các quan chức Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh việc ưu tiên cải thiện nhu cầu tiêu dùng trong nước trong năm 2025. Nếu những chính sách này được thực hiện hiệu quả, lĩnh vực tiêu dùng châu Âu có thể chứng kiến sự phục hồi đáng kể.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn. Ông Brown cho biết nguy cơ xung đột thương mại Mỹ-Trung sẵn sàng bùng phát trở lại có thể làm giảm giá đồng Nhân dân tệ hơn nữa, từ đó ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng và làm giảm nhu cầu của nước này đối với hàng hóa châu Âu.
Bất ổn chính trị nội khối
Bất ổn chính trị ở Pháp và Đức sẽ vẫn là một yếu tố tiêu cực đối với thị trường chứng khoán châu Âu trong năm 2025. Năm nay, thị trường chứng khoán Pháp hoạt động kém hiệu quả nhất trong số các nền kinh tế lớn toàn cầu, với chỉ số chứng khoán chính CAC 40 ghi nhận mức tăng trưởng âm, trái ngược với đà tăng mạnh mẽ ở Mỹ và một số khu vực của châu Á.
Tuy nhiên, ở Đức, chỉ số DAX đã phản ánh các xu hướng toàn cầu và đạt mức cao mới, nhờ sự vượt trội trong lĩnh vực công nghệ và quốc phòng.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử bất thường ở Đức vào tháng 2/2025, sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền, diễn ra sớm hơn 7 tháng so với dự kiến. Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán liên minh đảng phái có thể mất vài tháng mới giải quyết xong.
Trong khi đó, Pháp tiếp tục vật lộn với vấn đề nợ chính phủ vượt giới hạn cho phép và bế tắc chính trị về ngân sách năm 2025. Với nợ công lên tới mức tương đương 112% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra, lĩnh vực ngân hàng của Pháp phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng, trong bối cảnh lo ngại về tài chính công không được cải thiện.
Việc thiếu sự lãnh đạo ổn định ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chuyên gia Brown lưu ý, tài sản của Eurozone có thể sẽ tiếp tục phải chịu mức phí bảo hiểm rủi ro cao hơn so với tài sản của các châu lục khác. Điều này sẽ dẫn đến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, làm hạn chế khả năng vay và thanh khoản./.