Khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc gây nhiều chuyện dở khóc dở cười ở nước này. Nhưng quy mô khủng hoảng lớn hơn nhiều so với dự kiến, đến mức tác động đến giá tiêu dùng toàn cầu, cán cân xuất nhập khẩu của các nước.

Món hàng quý giá

Theo Tổ chức Nông lương LHQ, giá thực phẩm toàn cầu tăng 2,7% tháng 11/2019 và gần 10% trong cả năm do giá thịt và dầu ăn tăng mạnh. Đặc biệt là khủng hoảng thịt lợn khắp châu Á do dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt tăng nhiều nhất trong thập kỷ qua.

Giá tăng rất nhanh ở các thị trường đang nổi, từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Nigeria, theo đó là nguy cơ lạm phát lớn. Thiếu hụt thịt lợn ở Trung Quốc - nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới đã lên tới mức được gọi là khủng hoảng. Từ giá lợn tăng, giá các loại thịt khác như bò, gà, vịt, ngay cả giá trứng cũng tăng mạnh.

Khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc không chỉ thể hiện bằng những con số thống kê, mà hiện diện rõ trong đời sống hàng ngày. Thịt lợn giờ trở nên món hàng quý giá. Chưa bao giờ có cảnh người dân tranh giành nhau mua thịt lợn ngoài chợ.

Đầu mùa hè, một số thành phố ở Trung Quốc đã phát hành tem phiếu mua thịt heo chiết khấu với số lượng nhất định cho người dân. Chẳng hạn ở Nam Ninh, mỗi phiếu giảm 10% giá thịt cho người mua, nhưng mỗi người chỉ được mua 1kg một ngày.

Thậm chí một ngân hàng ở Trung Quốc đã dùng thịt lợn làm phần thưởng cho người gửi tiền bốc thăm nhận quà, mỗi phần thưởng từ nửa kg đến vài kg.

425 1 Trung Quoc Khung Hoang Thit Lon Toan Cau Anh Huong

Thịt lợn đang là món hàng “quý” tại đất nước tỷ dân

Giá thịt lợn tăng phi mã khiến có những nông dân và người sản xuất thịt lợn ở Trung Quốc trở thành tỷ phú nhanh chóng. Trong số đó, nổi bật là ông Qin Yling, Chủ tịch Công ty Thực phẩm Muyuan, có lợi nhuận tăng 260% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tài sản ròng của ông này tăng hơn gấp 4 lần trong năm nay lên 8,6 tỷ USD, được Bloomberg ghi nhận là người trở thành tỷ phú nhanh nhất thế giới.

Ông Qin sinh năm 1965, người tỉnh Hồ Nam, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hồ Nam ngành thú y. Sau khi tốt nghiệp ông làm trong một công ty nhà nước, nhưng chỉ 3 năm sau bỏ việc ra ngoài mở trang trại chăn nuôi lợn ở thành phố Nam Dương quê ông, chỉ bắt đầu với 22 con lợn, và giờ công ty ông giết mổ khoảng 5 triệu con mỗi năm.

Qin cho biết công ty ông phải khử trùng xe tải, tiệt trùng thức ăn chăn nuôi bằng nhiệt, và lọc không khí trong các trại nuôi để ngăn ngừa dịch bệnh. "Dịch tả lợn mang lại cả lợi và hại" - Qin nói - "Chúng ta phải bẻ lái cơn bão này và biến nó thành cơ hội để phát triển".

Lạm phát tăng vì giá thịt

Virus bệnh tả lợn châu Phi đã xóa sạch 1/3 số lợn của Trung Quốc, đẩy giá thịt tới mức trên trời. Lạm phát của Trung Quốc tăng tới gần 8% trong tháng 11 sau khi giá thịt lợn tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Li Defa, người đứng đầu Trường Khoa học và Công nghệ Thú y thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, ước tính dịch tả lợn đã gây thiệt hại trực tiếp 140 tỷ USD.

Chính phủ cho biết kho thịt lợn dự trữ đã chạm đáy và bắt đầu được bổ sung. Ông Yang Zhenhai, người đứng đầu Vụ Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp, nói rằng tháng 12 đã có dấu hiệu phục hồi, nhờ đó sẽ giữ giá thịt lợn trong tầm kiểm soát trong thời gian tới.

Song theo tờ Forbes, cho dù có thông tin cuộc khủng hoảng thịt lợn đã chững lại, các chuyên gia ước tính phải mất vài năm Trung Quốc mới phục hồi, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu thịt lợn.

Ảnh hưởng đến thương mại quốc tế

Con số của Gavekal, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đang trên đà tăng gấp đôi, tới hơn 2 triệu tấn trong năm 2019. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu từ Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác đang hy vọng tăng lượng bán sang Trung Quốc.

Trong tháng 12, Bắc Kinh đã cam kết mua sản phẩm nông nghiệp Mỹ nhiều hơn như một phần trong "giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại với Mỹ để chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng lên mặc dù mức thuế vẫn ở 62% kể từ năm 2018. Tháng Chín vừa qua, Trung Quốc thông báo sẽ bỏ thuế trừng phạt với thịt lợn Mỹ.

"Chúng tôi chờ đợi xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc sẽ tăng tới mức kỷ lục năm 2020 khi thuế đang dần dần giảm" - bà Christine McCracken, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty Raboresearch cho biết. Việc nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng vọt trước Tết Nguyên đán, rơi vào 25/1/2020.

425 2 Trung Quoc Khung Hoang Thit Lon Toan Cau Anh Huong

Châu Âu cũng đang ngắm tới nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc. Cao ủy Thương mại châu Âu Phil Hogan phát biểu tại Băc Kinh hồi tháng 11/2019 rằng châu Âu rất quan tâm đến việc bù đắp vào tình trạng thiếu thịt ở Trung Quốc. Hai bên hy vọng đạt được thỏa thuận đầu tư vào năm 2020 với mục đích thúc đẩy thương mại song phương.

Nhưng cho dù Trung Quốc có tăng nhập khẩu thịt lợn đi nữa thì vẫn không đủ để lấp đầy khoảng trống. Trung Quốc tiêu thụ tới hơn nửa số lượng thịt lợn trên thế giới. Toàn bộ khối lượng buôn bán thịt lợn toàn cầu chỉ bằng 20% nhu cầu thịt lợn trong nước ở Trung Quốc.

"Nhập khẩu vẫn quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu" - nhà phân tích Cui Ernan của Công ty Gavelka cho biết. Thậm chí nếu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2020 có tăng gấp 3 so với năm 2018, nó cũng chỉ chiếm từ 5 - 6% tiêu dùng trong nước.

Theo tính toán thì công nghiệp chăn nuôi lợn của Trung Quốc sẽ mất ít nhất 5 năm để phục hồi hoàn toàn, dựa trên kinh nghiệm dịch tả lợn châu Phi ở các nước khác. Ít nhất cho đến sang năm giá thịt lợn vẫn tăng.

Mỹ Hằng (TH)

Nguồn: giaoducthoidai.vn


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài