Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD, tương đương 6,4% GDP.
Là một trong những địa phương thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về Việt Nam qua TP.HCM tăng khoảng 10-15% mỗi năm, thậm chí có năm chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối cả nước.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển qua các đơn vị trên địa bàn Thành phố tính từ đầu năm đến nay đã vượt 4 tỷ USD và đang tiếp tục tăng nhanh.
"Trên thực tế, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm sau thường cao hơn năm trước, trong đó TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về nguồn kiều hối chuyển về. Với tốc độ hiện tại, nhiều khả năng TP.HCM sẽ hoàn thành kế hoạch đạt 5,2 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng khoảng 200 triệu USD so với năm 2018", ông Minh nói.
Theo dữ liệu kiều hối thường niên mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có lượng kiều hối lớn thứ 9 trên thế giới, ước năm 2019 sẽ đạt 16,7 tỷ USD (tương đương 6,4% GDP), tăng 700 triệu USD so với năm 2018.
Dòng kiều hối về Việt Nam qua 26 năm đã tăng khoảng gần 120 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; đến năm 2018 vọt lên 16 tỷ USD.
Cũng theo WB, Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á và duy trì trong Top 10 thế giới về thu hút kiều hối trong nhiều năm trở lại đây.
Giai đoạn 200 -2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP.
Thông tin được đưa ra tại Báo cáo kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2019 của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố cũng cho biết, dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ nhận được 16,7 tỷ USD kiều hối và nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Việc tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất đã giúp tỷ giá USD/VND ổn định từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo trên, những yếu tố giúp tỷ giá ổn định thời gian qua là nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân thương mại lũy kế 11 tháng đầu năm thặng dư 9,1 tỷ USD; thu hút vốn FDI tăng trưởng tốt với vốn giải ngân đạt 17,62 tỷ USD…
Bên cạnh đó, động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục giảm lãi suất USD trong năm 2019 (3 lần) và dự báo sẽ còn giảm thêm trong thời gian tới cũng là yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá tiền đồng và dòng kiều hối về Việt Nam.
"Với xu hướng này, dự báo đến hết năm 2019, tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định, khả năng tăng tối đa 0,5-0,8% so với đầu năm", báo cáo này nhận định.
Theo các chuyên gia tài chính, các thị trường chuyển kiều hối chủ yếu về Việt Nam vẫn là Mỹ, châu Âu, Úc, Đài Loan…
Ông Sheshagiri (Sukesh) Mailiah, Giám đốc Khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, Malaysia và Đông Dương của MoneyGram cho biết, các quốc gia Mỹ, Úc, Pháp và Campuchia có cộng đồng người Việt sinh sống đông đảo, trong khi Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản là những "hành lang di cư" với sự gia tăng di cư của công nhân từ Việt Nam.
"Mỗi ngày, hàng ngàn công nhân nhập cư trên khắp thế giới sử dụng MoneyGram để chuyển tiền mà họ có thể tiết kiệm. Trong đó, một phần lớn nguồn tiền được chuyển đến khu vực nông thôn của các nước đang phát triển.
Nguồn thu nhập xuyên biên giới này đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ y tế, giáo dục, an ninh lương thực và đầu tư sản xuất trong nông nghiệp ở nước sở tại của người di cư", ông Sheshagiri (Sukesh) Mailiah nói.
Nguồn: Vân Linh/ tinnhanhchungkhoan.vn