Chiều 3/12, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO - đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm sông Tô Lịch) thông báo đã tìm ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch.
Đây là giải pháp xử lý nước thải tại chỗ, từ các cống xả bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản theo 2 nhóm.
Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24h), rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN, là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch.
Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch đoạn chảy qua xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Đ.Bổng
Theo đánh giá của JEBO, giải pháp này sẽ đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 1 tạo ra nước đạt QCVN -2- rồi mới chảy vào sông Tô Lịch.
Trong trường hợp phát sinh nước thải tràn vào lòng sông thì vẫn có hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 2 đặt ở giữa sông để xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn. Đơn vị sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây. Nếu thành công, đơn vị sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho TP quản lý, vận hành.
JEBO gợi ý thêm, về lâu dài, khi Việt Nam có điều kiện về kinh tế vẫn nên hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị, xây dựng các hệ thống cống bao, thu gom tách nước thải từ nguồn đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Đồng thời Việt Nam cần ra quy định về bắt buộc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ các hộ gia đình để xử lý từ nguồn như tại Nhật Bản.
Tổ chức xúc tiến Thương mại - môi trường Nhật Bản cũng đưa ra 12 ưu điểm của công nghệ nghệ Nano-Bioreactor.
Thứ nhất, chi phí đầu tư ban đầu thấp, chủ yếu gồm hai hạng mục hệ thống máy Nano và vật liệu sinh học Bioreactor, hệ thống bể ngầm bằng vật liệu FRP tiện lắp đặt dưới lòng đất. Không yêu cầu nhân lực quản lý vận hành lớn. Chi phí tiền điện vận hành nhà máy nhỏ do sử dụng hệ thống các bơm có công suất chỉ vài kW (nhỏ hơn công suất hàng chục, hàng trăm kW đang dùng trong các nhà máy XLNT tập trung)
Thứ hai, xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối (ở cấp độ phân tử), công nghệ Nano-Bioreactor đảm bảo dòng sông ô nhiễm khi được xử lý sẽ không còn mùi hôi, thối bốc lên chỉ trong thời gian rất ngắn từ 1~3 ngày.
Thứ ba là phân hủy tận gốc bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông chết, ao hồ ô nhiễm thành CO2, H2O mà không cần áp dụng các biện pháp nạo vét cơ học (trừ đá, sỏi,...).
Thứ tư là xử lý tận gốc tại chỗ trong ngày(24h) nước thải từ nguồn rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN bằng bể ngầm trong lòng đất.
Thứ năm là xử lý tận gốc tại chỗ tạo ra nước đạt QCVN, dùng làm nguồn cấp bổ cập tại chỗ cho các “dòng sông chết, ao hồ ô nhiễm”.
Thứ sáu là bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt. Do công nghệ Nano-Bioreactor có 2 nguồn tạo ra oxy hòa tan trong nước nên mặc dù mưa lớn, thay đổi thời tiết đột ngột nhưng cá sẽ không bị chết vì thiếu oxy như một số công nghệ khác. Đặc biệt, hiệu quả ổn định trong hàng chục năm, không bị tái ô nhiễm.
Thứ bảy là số lượng vi khuẩn, vi sinh vật có hại giảm, vi sinh vật có lợi tăng. Đặc biệt xử lý được giảm triệt để các khuẩn E.coli, coliform là nguyên nhân gây các bệnh về đường ruột cho người dân sống gần các dòng sông ô nhiễm, mang lại một dòng sông an toàn.
Thứ tám là hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp (không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu, không nạo vét bùn mang đi nơi khác gây ô nhiễm tại khu vực đổ thải).
Thứ chín là không cần tốn chi phí xây dựng hàng chục, hàng trăm km cống bao thu gom, chi phí giải phóng mặt bằng...
Thứ mười là thời gian thi công ngắn, hiệu quả đạt nhanh (tùy quy mô dự án).
Thứ mười một là công suất xử lý thiết kế ban đầu đáp ứng với lưu lượng thải có thể thay đổi trong tương lai lên hàng vài chục lần do quá trình đô thị hóa dẫn đến dân số tăng lên. Đặc biệt, với hình thức xử lý là “Nhà máy XLNT đặt trong lòng sông, hồ...” nên dễ tăng công suất xử lý bằng cách tăng thêm số máy mà không phải giải phóng mặt bằng khi lượng nước thải xả vào khu xử lý tăng.
Thứ mười hai là góp phần làm giảm ô nhiễm không khí hiện đang ở mức cao, do cũng có một phần ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm từ sông Tô Lịch bay lên.
Trước thực trạng chưa có nhà máy xử lý nước, chưa có biện pháp xử lý được triệt để vấn đề mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông ô nhiễm đang hàng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, giải pháp công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản nếu được áp dụng sẽ xử lý được triệt để tận gốc mùi hôi thối chỉ trong thời gian 1-3 ngày và có thể xử lý được ô nhiễm.
Thành Nam
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet