Danh sách địa phương bị nhiều nước "cấm cửa" lao động hồi cuối năm ngoái chủ yếu ở Bắc Trung Bộ. Đến nay, loạt các tỉnh phía Bắc cũng có tỷ lệ lao động trốn ở lại nước ngoài cao hơn bình quân.

8 tỉnh phía Bắc có lao động trốn ở lại nước ngoài cao

Thông tin trên được ông Đặng Duy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), báo cáo tại hội thảo thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước, trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động hết hợp đồng không về nước của một số địa phương trọng điểm của khu vực miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn... cao hơn mức bình quân của cả nước và hơn so với cam kết với phía Hàn Quốc (28%).

1 Lao Dong Viet Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai Chat Vat Keu Goi Hoi Huong

Lao động thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Lao động cư trú bất hợp pháp thuộc diện đi theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) có dấu hiệu tăng trở lại", ông Hồng nói.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, tính tới thời điểm tháng 10/2023 có trên 36.000 lao động EPS (bao gồm trên 10.000 lao động cư trú trái phép) đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc.

Số lao động này phân bổ tại tất cả các khu vực, từ thành phố, nông thôn và các vùng biển, hải đảo.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 6/2023, trên tổng số 33.501 lao động EPS đang làm việc tại Hàn Quốc có tới 10.411 người không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp (chiếm tỷ lệ 31,07 %).

Ngoài Hàn Quốc, từ năm 2020 đến 2023, dịch bệnh Covid 19 dẫn đến tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không thể về nước nên bỏ trốn tiếp tục làm việc tại Đài Loan và Nhật Bản với số lượng lớn.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 6%.

Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với 41.044/697.702 người.

Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động trốn ra khỏi hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26% (hiện có hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).

Thị trường Đài Loan có 24.000/256.576 người, chiếm tỷ lệ 9%. Tại Nhật Bản cũng có gần 4.800 thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn.

Tại thị trường các nước tại Trung Đông - châu Phi có hơn 1.300 người lao động bỏ trốn trong tổng số hơn 9.400 lao động đang làm việc, cao nhất là tại Ả rập Xê-út, với 1.000 lao động, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 300 người. Số lượng lao động bất hợp pháp tại các nước châu Âu gần 600 người. Riêng thị trường châu Mỹ, hiện chưa ghi nhận lao động trốn ở lại bất hợp pháp.

Nâng thời gian lao động ở nước ngoài thêm 2 năm?

Nói về tình trạng lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), cho rằng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu kém của cá nhân những lao động này.

2 Lao Dong Viet Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai Chat Vat Keu Goi Hoi Huong

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Ảnh: Nguyễn Sơn).

"Bản thân người lao động không nhận thức được những tác hại, nguy hiểm khi bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm việc trái phép. Không được pháp luật nước sở tại bảo vệ quyền lợi, nếu bị phát hiện họ sẽ bị bắt giam, bị cấm nhập cảnh trở lại.

Vấn đề lớn hơn là việc bỏ trốn của những lao động này có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam với các thị trường tiếp nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người lao động khác muốn ra nước ngoài làm việc", ông Liêm nói.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, những năm vừa qua, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng, và về nước trước thời hạn là vì các lý do chủ quan như sức khỏe, tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại.

Một số lao động chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và không hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết. Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý, lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc, tỷ lệ không tuân thủ thời hạn hợp đồng cao. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là có thể ở lại làm việc lâu hơn và có thu nhập cao hơn.

3 Lao Dong Viet Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai Chat Vat Keu Goi Hoi Huong

Theo chuyên gia, cần có thêm chính sách tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Để hạn chế lao động bỏ trốn, đặc biệt với thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao như Hàn Quốc, ông Liêm cho biết đã áp dụng nhiều quy định ràng buộc như lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn; lao động bỏ trốn hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt tiền 80 - 100 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, lao động vi phạm còn bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2 - 5 năm.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho rằng, cần có thêm chính sách tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước. Việc này, theo ông Bình, không chỉ khai thác tốt nguồn nhân lực có chất lượng, mà còn giúp người lao động yên tâm trở về nước sau khi hết hạn và hạn chế việc lao động bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp.

Cùng với đó, cơ quan chức năng hai nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan cần nghiên cứu, nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Từ đó, vừa giúp người lao động có thêm thời gian làm việc, tích lũy, không có tâm lý bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại để kiếm thêm thu nhập.

"Người lao động làm việc ở nước ngoài có công việc ổn định, thu nhập cao, khi về Việt Nam dễ rơi vào cảnh không biết làm ở đâu. Do đó, nhiều lao động chỉ chấp nhận về nước vì hết hạn hợp đồng, không làm cách nào được ngoài việc trốn ra ngoài làm "chui".

Bản chất, không lao động nào muốn trốn ra ngoài làm bất hợp pháp mà bất đắc dĩ họ mới phải làm như vậy", ông Bình nói.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2025 - Tạp chí CANADA

Liên hệ

1455 De Maisonneuve Blvd. W.
MontrealQuebec
H3G 1M8 Canada 

Tìm bài