Nội dung bài viết như sau:
Dù đi Mỹ du học hay sinh con, rất nhiều người Trung Quốc đều có “giấc mơ Mỹ”. Thế nào là Giấc mơ Mỹ? Cụm từ này xuất hiện đầu tiên trong quyển “Thiên hùng ca Mỹ” (The Epic of America) của James Adams vào năm 1931. Ông viết: “Giấc mơ Mỹ nghĩa là khát vọng được sống trên mảnh đất có thể khiến con người ta sống đủ đầy sung túc, mỗi người đều có cơ hội thực hiện giá trị của bản thân.”
Vậy thì, nơi tràn đầy sự đam mê và mơ ước này rốt cuộc phát triển đến mức nào? Hai người bạn sống ở Mỹ sau đây sẽ giải thích cho chúng ta từ những góc độ khác nhau.
I. Đầu tiên, chúng ta hãy lắng nghe Blue Sun nhận xét anh đánh giá từ các mặt “vật giá, bảo vệ môi trường, nhân văn và khoa học kỹ thuật”.
Tôi từng sống ở 5 thành phố của Mỹ là Buffalo, Binghamton, New York, Stamford và Dallas hơn nửa năm và cũng đi du lịch hết một vòng bờ Tây, hẳn là có thể trả lời một cách khách quan và hệ thống.
Do người hỏi không định nghĩa khái niệm “phát triển”, nên đầu tiên tôi định nghĩa “phát triển” là tiên tiến hơn các quốc gia khác, mà không chỉ phát triển về mặt kinh tế hoặc vật chất.
Việc định nghĩa là rất quan trọng, bởi vì tôi nghĩ rằng đa phần mọi người trong nước (Trung Quốc) đều có những hiểu lầm nhất định về sự phát triển của Mỹ.
New York, Mỹ. (Ảnh: Pixabay)
Khi nói đến nước Mỹ, phản ứng tự nhiên của mọi người đều giống như bức ảnh trên đây, những tòa nhà cao tầng, các loại cơ sở hạ tầng cao cấp, nào là tòa nhà Empire State, Tháp đôi, dù sao thì dựa vào sự tiên tiến là được. Thật ra thì đây là sự hiểu lầm lớn nhất về nước Mỹ, bức ảnh trên đây là ở New York.
Có một câu mà người Mỹ hay nói: Trên thế giới có hai nước Mỹ, một là Hoa Kỳ, hai là New York.
Trên thực tế, New York khác hoàn toàn so với bất cứ nơi nào khác ở Mỹ. Los Angeles được xem là thành phố gần nhất với New York, nhưng vẫn cách New York rất xa. Lấy một ví dụ đơn giản mà trực tiếp nhất, giá thuê một căn nhà một phòng ngủ ở Manhattan (New York) là 3.500 đô la/tháng, khi tôi sống ở Dallas, một căn nhà một phòng ngủ lớn hơn căn ở New York 30% có giá thuê là 750 đô la/tháng. New York và những nơi khác ở Mỹ thật sự là hai thế giới khác nhau.
90% các nơi ở Mỹ mỗi gia đình sống trong một căn nhà độc lập, một gara, hai đến ba chiếc xe. Trông có vẻ rất đã, thật ra sau khi tự mình trải nghiệm thì tôi bày tỏ rằng một người đến từ thành phố lớn như tôi thật sự không chịu nổi. Ở Trung Quốc, biệt thự đều nằm trong khu vực sinh hoạt tiện lợi, ra đường ăn cơm, đi siêu thị hoàn toàn không có gì khó khăn, đi tàu điện ngầm cũng rất dễ dàng. Nhưng nhà ở Mỹ đều nằm ở nơi rất vắng vẻ, tôi ăn cơm mà phải mất đến 10 phút lái xe.
Vì vậy nếu cách hiểu của bạn về sự phát triển của nước Mỹ là những tòa nhà cao ốc thì tôi có thể cho bạn biết rằng bạn hoàn toàn nghĩ sai hướng rồi. Nhưng quả thật Mỹ rất phát triển ở những đều sau đây:
1. Vật giá
Vật giá của Mỹ so với thu nhập của người dân thì khá rẻ, nhờ có sự lạm phát khá thấp nhiều năm qua. Tầng lớp thấp thông thường (chú ý, tôi nói đến tầng lớp thấp, nói về “giới tinh hoa” có mức lương khoảng vài triệu đô một năm thì không có ý nghĩa gì cả), nếu cố gắng làm việc, thu nhập hàng năm của họ có thể vào khoảng 5.000 đô la (thuê được một căn nhà 4 phòng ngủ). Về thực phẩm thì ở Mỹ một tuần đi siêu thị một lần tiêu khoảng 120 đô la ăn được hơn một tuần. Quần áo, máy móc thì không cần nói, cả thế giới hẳn là ở Mỹ và Hong Kong là rẻ nhất rồi. Mua iPhone 6 cũng khoảng 700 đô, ở Trung Quốc hình như là đắt hơn nhiều, dù sao thì đây cũng là hàng do Mỹ sản xuất.
Vài ngày trước tôi có trò chuyện với bạn bè về vật giá, một hộp cầu gai (xin lỗi, tôi ăn uống có hơi xa xỉ) là 6 đô la, vào khoảng 36 tệ. Bạn bè nói ở Trung Quốc phải mất hơn 60 tệ.
Mua xe cũng vậy. Công nhận là rất rẻ. Một chiếc xe BMW bán lại cũng chỉ 30.000 đô, một chiếc Land Rover mới thì 120.000 đô.
Tổng hợp lại, vật giá so với thu nhập của người dân Mỹ thấp hơn Trung Quốc rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên điều này là thứ hạng của đồng đô la trong thanh toán quốc tế, vì vậy mỗi lần phát hành tiền giấy đều sẽ không tạo nên sự lạm phát quy mô lớn, vật giá luôn được giữ ổn định. Đối với vấn đề này thì không nói ở đây nữa, tôi có thể viết một bài trả lời khác.
2. Bảo vệ môi trường
Manhattan, Mỹ.
Đây là bức ảnh phản ánh rất rõ vấn đề được đăng tải trên tờ Tạp chí Địa lý Quốc gia không lâu trước đây đã làm nhóm bằng hữu của chúng tôi “nổ tung” lên. Trên mảnh đất vàng Manhattan mà vẫn còn có thể giữ được 30% công viên thành phố, về cơ bản đây chính là sự bảo vệ môi trường của người Mỹ.
Ý thức bảo vệ môi trường của Mỹ rất mạnh, về cơ bản, ngành công nghiệp nặng đều được dời ra nước ngoài hoặc những nơi xa xôi của Mỹ, ở những khu vực đông dân không hề có các ngành công nghiệp ô nhiễm quy mô lớn.
Chất lượng thực phẩm nếu không tính đến thực phẩm biến đổi gen, thì thực phẩm ở đây vô cùng vô cùng tốt, còn có đại siêu thị Whole Foods chuyên bán thực phẩm hữu cơ, thực phẩm ở đó đều được xác nhận không có chất phụ gia, nhưng giá đắt hơn siêu thị bình thường rất nhiều.
Không khí, nguồn nước, thực phẩm, xét về mặt bảo vệ môi trường thì quả thật người Mỹ rất yêu nước, ở Mỹ có khoảng mấy trăm công viên quốc gia, họ luôn gằng hết sức trong trong vấn đề bảo vệ môi trường.
3. Nhân văn
Tôi phải nhấn mạnh điều này. Tinh thần nhân văn của người Mỹ là nhất nhì thế giới trong mắt tôi.
Tôi từng đi rất nhiều nơi, châu Âu, Canada, Nam Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á… So với chủ nghĩa tự do của châu Âu và chủ nghĩa cực giản của Nhật Bản (chúng ta không so sánh sự phát triển về kinh tế với nhân văn nữa, như vậy chẳng phải là làm khó nhau sao) thì tinh thần nhân văn của người Mỹ nặng ở hai chữ tôn trọng.
Tôn trọng sinh mạng và sự tự do của mỗi con người. Những lời này không hề sai. Ở New York, mọi người thường có một câu cửa miệng là “Don’t Judge”, nghĩa là đừng phán xét, đánh giá. Có một tư tưởng ăn sâu vào lòng người Mỹ đó là chỉ có Thượng Đế mới có khả năng phán xét một con người. Chúng ta đều không phải là Thượng Đế, vì vậy mọi người đều bình đẳng, không có ai có quyền và có khả năng phê phán đời sống của người khác.
Vì thế, ‘hiện tượng văn hóa’ điển hình của New York chính là ở trạm tàu điện ngầm có những người hát rong. Ngoài những người hát rong, còn có những người vô gia cư ca hát, nhảy múa, kể chuyện ở trạm tàu điện ngầm hoặc trong toa tàu, sau khi biểu diễn xong, họ cúi đầu và nói “Xin cảm ơn bất cứ khoản quyên góp nào của các hành khách, chúc mọi người có một ngày tốt lành”. Bản chất là người ăn xin, nhưng họ không hề tự ti, thấp kém.
Một tài xế lái xe hàng có thể nói một cách tự tin trước Obama rằng “Tuy ông là người da màu, nhưng tôi rất xem trọng ông đấy, hãy làm thật tốt”. Thái độ không hề sợ hãi trước công quyền này xuất phát từ tư tưởng tôn trọng cá nhân đã ăn sâu trong lòng người dân Mỹ. Tôi đã nhận được sự tôn trọng, tôi lại không làm việc gì xấu, vì sao tôi phải cúi đầu trước Tổng thống chứ? Tại sao tôi không thể cười lớn vỗ vai và chụp ảnh cùng ông ấy?
Điều thú vị là khi tôi chia sẻ những điều này với bạn bè trong thời gian về nước, đa phần mọi người đều nói với tôi: “Tôn trọng hoàn toàn chẳng có tác dụng gì cả, làm những điều này thì được cái gì, chi bằng kiếm tiền phát triển kinh tế đi”.
“Tôi không kiếm nhiều tiền bằng bạn, tôi không đẹp trai bằng bạn, vợ tôi không đẹp như vợ bạn, tôi còn có một đống thứ không bằng bạn, nhưng tôi là tôi, tôi có quyền sống theo cách của mình, bạn không có quyền phê phán tôi”. Những người thuộc tầng lớp thấp chưa từng sống ở Mỹ rất khó mà thẳng thắn nói được câu này, đây là sự khẳng định lớn nhất mà xã hội dành cho mỗi cá nhân.
4. Công nghệ
Đây là điều then chốt quyết định việc nước Mỹ có thể tiếp tục phồn vinh trong mấy mươi năm nữa hay không. Giá trị thanh toán mạnh của đồng đô la khiến nhiều ngành sản xuất ở Mỹ dời ra nước ngoài, họ hy vọng dùng số ngoại tệ kiếm được nhờ bán nguyên vật liệu để mua những thứ mà mình không sản xuất được. Ví dụ như máy bay, vũ khí, thuốc chống ung thư, công nghệ không gian… Vì vậy việc nước Mỹ đi con đường khoa học kỹ thuật hoàn toàn không phải là trùng hợp, mà là điều tất yếu của lịch sử.
Thung lũng Silicon đã hỗ trợ cho sự phát triển hưng thịnh của của Mỹ trong 10 năm đầu của thế kỷ 21. Google, Facebook. Twitter, Tesla… Không thể không nể phục, tất cả những phát minh lớn có tính đột phá của thế giới trong gần 20 năm qua (các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, xe điện) đều được sáng tạo ra ở Mỹ.
Vị thế của đồng đô la trong hệ thống tiền tệ thế giới khiến cho nguồn vốn của nước Mỹ dồi dào, có thể thực hiện các cuộc đầu tư quy mô lớn -> tinh thần nhân văn phát triển mạnh khiến những ý tưởng khoa học kỹ thuật mới ở Mỹ được sản sinh ra dễ dàng -> môi trường sống tốt và mức vật giá thấp thu hút nhân tài từ các dân tộc khác có xu hướng di cư đến Mỹ.
Nguồn vốn + tư tưởng + nhân tài = Công nghệ cao.
Hoàn toàn không có nhiều sự ngẫu nhiên như thế, có rất nhiều thứ đều là tất nhiên. Đối với tôi, ưu thế công nghệ của Mỹ còn có thể kéo dài được ít nhất đến giữa thế kỷ 21, trong một khoảng thời gian ngắn có thể tìm được một trung tâm công nghệ so được với Thung lũng Silicon là điều không thể.
Khi mà khoa học công nghệ mới nhất luôn được phát minh ra ở nước Mỹ, thì khả năng sản xuất và quyền chủ động nâng cao hiệu suất sản xuất đều được nước Mỹ nắm chặt trong tay….
II. Ting Zhou xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân để trình bày về những hiểu biết của mình đối với mức độ phát triển của nước Mỹ.
Sự phát triển của Mỹ không nằm ở việc những nơi phát triển nhất phát triển đến mức nào, mà nằm ở những người nghèo nàn lạc hậu nhất cũng không quá bần cùng lạc hậu nếu so với các quốc gia khác.
Sau khi bạn đến những ngôi làng rất hẻo lánh ở Mỹ, nhìn thấy những nơi đó cũng không thiếu điện, nước hay mạng internet, vật giá của những đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt cơ bản cũng không cao, bạn sẽ hiểu vì sao nước Mỹ lại “phát triển”.
Tôi xin được bổ sung một số kinh nghiệm cá nhân. Ở các thành phố lớn và nông thôn của Mỹ đều có người nghèo. Người giàu thường sống trong những khu vực vệ tinh nằm ở ngoại ô các thành phố lớn.
Vài năm trước, trong một lần làm nhân viên hợp đồng của trường học, tôi có đi đến một thị trấn nhỏ hẻo lánh ở vùng cực Nam của châu Mỹ mà wikipedia gọi nơi đó là “làng”, tên cụ thể thì tôi không nói thêm, thu nhập trung bình của chủ hộ ở đó là 19.511 đô la/năm, thu nhập của cả gia đình là 28.124 đô la/năm. Điều này có nghĩa gì ư? Thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Mỹ khoảng 50.000 đô la/năm, lương kỹ sư ở Thung lũng Silicon khoảng 100.000 đô la vào mức nghèo. Thị trấn này còn là làng, nghèo đến mức không bằng một nửa mức trung bình của cả nước.
Ở ngôi làng nghèo khó này, tuy không có Walmart và McDonald, nhưng vẫn đảm bảo điện, nước, mạng, hơn nữa còn có trường học, bao gồm từ tiểu học đến cấp ba, đảm bảo học sinh có xe đưa đón (đương nhiên cũng bao gồm trong thuế), cơ sở vật chất của trường đầy đủ, có mấy phòng máy (tôi đến để hỗ trợ lắp máy), thư viện, không hề thua kém trường trung học ở thị trấn nơi tôi sống.
Hiệu trưởng còn viết một lá thư về việc mua máy tính mới, mở đầu lá thư ông ấy viết “Trường chúng tôi nằm ở cực Nam của tiểu bang XX, phục vụ 7 khu làng rất nhỏ ở lân cận, vốn đa số đến từ các gia đình thu nhập thấp và nhóm thiểu số..”
Sau khi về nhà, tôi xem lại những bức ảnh chụp vài năm trước, khó mà tưởng tượng được đây là ngôi trường nằm ở một thị trấn nghèo dưới mức trung bình của quốc gia.
Đây là cổng chính.
Nhà ăn
Tủ kính ở hành lang để những chiếc cúp bóng đá các năm.
Sân bóng rổ trong nhà.
Một phòng học chất đầy sách cho học kỳ sau.
Sách giáo khoa ở Mỹ có thể mượn được, không cứ phải tự mua, nhiều khi học xong một năm thì trả sách lại cho trường để cho năm sau học. Giống như trong ảnh có thể nhìn thấy đó là sách cũ.
Việc sắp xếp phòng học không căn cứ theo cấp hoặc lớp mà dựa theo môn học và giáo viên đứng lớp. Ví dụ như Trương Tam dạy toán thì sẽ có riêng một phòng học, phòng học và giáo viên là cố định, còn học sinh phải di chuyển. Vì vậy sẽ thấy có rất nhiều kiểu phòng học, đây đều do giáo viên tự bố trí theo sở thích của họ.
Cách chấm điểm của một phòng học nào đó, giáo viên này hẳn phải là một fan của Star War.
Một phòng học cấp nhỏ, giáo viên bố trí để dạy cho các em học sinh cách tôn trọng lẫn nhau.
Đây là ảnh chụp một hành lang, đều là các kiệt tác của giáo viên và học sinh nhiều năm qua.
Ngôi trường này không quá đẹp đẽ, không có công nghệ mới, ngay cả máy tính cũng đều mua loại rẻ nhất, bởi vì họ thật sự khá là nghèo. Nhưng về những cơ sở vật chất cơ bản nhất, ví dụ như điện nước, phòng cháy chữa cháy, nơi tránh lốc, nước uống, máy điều hòa, bữa trưa của học sinh, kiểm soát an ninh, xe đưa đón đều là được trường đảm bảo đến nơi đến chốn.
Những cơ sở vật chất mà tôi chụp lại hẳn chẳng là gì đối với rất nhiều ngôi trường trong các thành phố tầm trung. Nhưng trong ảnh là trường học ở một ngôi làng cực kỳ hẻo lánh, mỗi lần tôi đi từ thị trấn nhỏ mà tôi sống (nơi tôi ở cũng đã là làng rồi) đến ngôi làng này đều phải lái xe mất một tiếng đồng hồ trên đường làng (tuy tốc độ khoảng 96 km/h, nhưng con đường nhỏ trong làng vòng vèo chứ khoảng cách thực tế không đến 96 km), may là tôi đi vào mùa hè.
Có không ít độc giả nhắc đến nhà ổ chuột. Thật ra đặc điểm lớn nhất của nhà ổ chuột là trị an kém và gia đình thu nhập thấp, nhưng trường học ở đó cũng buộc phải đảm bảo cơ sở vật chất cơ bản. Những thứ này giống như tôi nhắc ở trên, nước, điện, điều hòa, mạng, phòng cháy chữa cháy, xe đưa đón, bữa ăn của học sinh…
Một điều khiến tôi cảm thán ở Mỹ đó là họ dành rất nhiều vốn vào việc xây dựng những cơ sở vật chất không sinh lời, ví dụ như cơ sở vật chất phục vụ cho người khuyết tật. Còn về đường cao tốc ở Mỹ thì được biết đã hình thành các đầu mối then chốt từ những năm 80. Hiện nay tôi thường xuyên lái xe đường dài thì nhận thấy ở những nơi xa xôi cũng vẫn có đường quốc lộ đến đó.
***
Sau khi đọc xong bài viết trên đã có không ít các cư dân mạng ở Trung Quốc liên tục để lại bình luận như sau:
“Nhiều người vừa lớn tiếng mắng chửi nước Mỹ, vừa nghĩ hết cách đưa tổ tông 18 đời di cư hết sang Mỹ. Đây chính là đặc trưng điển hình của nhị trùng nhân cách.”
“Quan chức Trung Quốc không ngừng chuyển con cái, tài sản sang Mỹ cho thấy rõ trong lòng họ chẳng hề ‘hồ đồ’.”