Nhiều người phẫn uất khi thấy bánh chưng bị chê. Chê bánh chưng chẳng khác gì đánh vào vào lòng tự hào dân tộc, vào truyền thống và lịch sử cha ông, nên bị phản ứng dữ dội cũng không lạ.
Vấn đề là cách phản ứng thôi, đa phần vẫn là chửi bới, nguyền rủa người viết. Dân tộc trẻ trâu mới vậy!
Mình dự là phản ứng này sẽ ngày càng yếu ớt theo thời gian, 10 năm, 20 năm nữa, lớp con cháu chúng ta sẽ coi bánh chưng như quả phật thủ bây giờ, chỉ là đồ cúng, chả khác gì vàng mã.
Nhớ 30 năm trước, nhà nào cũng tự gói bánh chưng. Nhà nào không gói được thì tủi thân lắm, phải đặt nhà hàng xóm. Giáp tết nhà nào cũng hỏi nhau: Năm nay gói bao nhiêu cái bánh chưng?
Nhà nào ít cũng phải trên chục cái, nhiều thì ba chục, ăn đến hết tháng giêng. Gói nhiều bánh chưng, luộc 1 nồi to, là 1 niềm tự hào và có điều kiện. Mình nhớ nhà nào hồi ấy cũng có cái nồi to, gọi là nồi luộc bánh chưng. Nhà mình dùng để đựng gạo hàng ngày, dễ được tạ gạo. Đó là để tích trữ gạo thời bao cấp và còn để chống chuột. Đến tết thì lấy ra để luộc bánh.
Đến hết bao cấp thì cái tết trở nên sang trọng hơn, nhiều thứ quà bánh hơn, thì vai trò của bánh chưng ngày càng mai một. Một lý do khác nữa là việc luộc và gói bánh chưng trở nên phức tạp với các gia đình ở TP. Sẽ không có chỗ để 1 cái nồi rất to, không tủ bếp nào vừa.
Lại càng không thể có 1 cái bếp đủ to để đun sôi nồi nước khổng lồ như thế. Cũng không còn chỗ mà đặt cái bếp củi luộc bánh đến tận 12 tiếng. Quá phức tạp cho 1 món ăn không ngon lắm.
Thế là dân TP dần dần bỏ việc tự làm bánh chưng.
Giới trẻ gen Z bây giờ mà dân TP đảm bảo 99% không biết gói bánh chưng. Ngay cả mình, 7x, lẽ thường cũng biết gói bánh, nhưng mình cũng chưa gói bao giờ, chỉ tham gia luộc thôi. Khi người ta không còn tự làm bánh thì cái truyền thống ăn bánh đương nhiên sẽ mai một.
Chừng nào người ta không còn nấu cơm, chỉ ship và ăn hàng, thì cũng sẽ chẳng còn nhu cầu ăn cơm, có thể ăn bánh mì thay cơm cũng chả sao. 1 xã hội hòa nhập quốc tế thì khó tránh được chuyện đó.
Mình cho là những ai phản ứng với người chê bánh chưng chắc phần nhiều vì hoài niệm việc tự làm, tự nấu bánh, chê bánh chưng giống như xúc phạm tâm linh vậy. Chứ các cháu gen Z chắc chả quan tâm đâu.
Vì thế nên anh chị em nào phản ứng dữ dội thì nên phục hoạt việc tự làm bánh chưng, thì may ra duy trì được, chứ chửi suông thì cũng giải trí được 3 ngày là nhiều.
Truyền thuyết về Lang Liêu còn có bánh giầy nữa cơ, nhưng bánh giầy đã lâu lắm không còn xuất hiện ở bàn thờ, mà dùng để ăn sáng. Bánh chưng cũng vậy, nhiều quán ăn sáng hay có món bánh chưng rán, là loại nhỏ thôi, 1 người ăn hết được, chỉ to bằng lòng bàn tay. Mình cho là bánh chưng nên được "diễn biến" thành loại như vậy thôi, cho tiện.
Vì bàn thờ ở chung cư bây giờ chỉ có size cỡ 60x80cm là cùng. Bánh chưng cũng chỉ nên thu nhỏ để 1 người ăn hết, bằng 1 bát cơm và để luộc cho nhanh, chỉ độ 2-3 tiếng là cùng bằng nồi áp suất. Với size đó thì mọi người có thể vẫn duy trì được việc tự làm bánh chưng được. Mỗi tết làm độ 4 cái là vừa, cúng xong rồi ăn.
Như vậy, thay vì chửi thì anh chị em nên phát động phong trào "cải cách" bánh chưng, để duy trì được nó. Miễn là giữ được hương vị, nguyên liệu và hình dáng bánh là được. Bảo thủ quá là góp phần tiêu diệt nó đó.
Hãy nhìn tấm gương của bánh trung thu. Nói thật là mình không ưa bánh trung thu truyền thống, ăn ngấy lắm lắm. Nhưng bây giờ, bánh trung thu có dăm chục loại luôn, đủ hình dáng, mùi vị và nguyên liệu.
Bánh trung thu cũng là 1 truyền thống, bánh chưng cũng vậy, nên có 1 hướng thay đổi kiểu thế để duy trì và phát triển. Biết đâu sau này có bánh chưng làm kiểu công nghiệp, gói bằng giấy tráng nilon, lạt nhựa, nhân thịt bò!
Nếu bánh chưng không thay đổi thì nó sẽ biến mất trong vòng 10-20 năm nữa. Hi vọng 2 giải pháp trên mới có thể cứu nó.
Dương Quốc Chính